Cảm thấy thua kém bạn bè vì không săn được hàng giảm giá
2 gói khăn giấy miễn phí sau khi sử dụng phiếu giảm giá, bột giặt miễn phí và áo hoodie được mua với giá không quá 20 nhân dân tệ (khoảng 68 ngàn đồng). Đây là một trong những thành công lớn nhất của Zhu Zihan – một sinh viên 23 tuổi đến từ phía Đông của tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc), trong việc săn lùng hàng sale khi mua sắm trực tuyến.
Với Zhu Zihan, mua hàng giảm giá không chỉ để tiết kiệm tiền mà gần như một môn thể thao. Giống nhiều tiêu dùng trẻ Trung Quốc khác muốn thận trọng hơn trong thói quen chi tiêu, giờ đây cô nàng còn “cạnh tranh” với bạn bè để xem ai có thể mua được những món hời nhất trên các nền tảng bán lẻ lớn trong nước.
“Đối với tôi, đôi khi điều đó có nghĩa là phải mất 2 giờ để đánh bại bạn bè. Kết quả là ai có thể mua được nó với giá rẻ nhất”, Zhu nói. “Tôi làm điều này (săn hàng giá rẻ – PV) bất cứ khi nào có chút thời gian rảnh rỗi.”
Nhiều người trẻ Trung Quốc coi mua được hàng giá rẻ là “thành tựu” (Ảnh minh hoạ)
Cuộc săn lùng thường bắt đầu với việc tìm kiếm trên Pinduoduo, 1688.com và Taobao – các nền tảng thương mại điện tử hàng đầu của Trung Quốc, nổi tiếng với giá cả phải chăng, đặc biệt đối với các sản phẩm như chăm sóc da, thiết bị điện tử, thực phẩm và quần áo.
Sau đó, những người trẻ này bắt đầu so sánh giá cả giữa các trang web, tận dụng tối đa các khoản giảm giá, phiếu giảm giá và ưu đãi đặc biệt để xác định thời điểm tốt nhất để mua hàng.
Hiện tượng này thậm chí còn thu hút sự quan tâm lớn trên MXH, nơi xuất hiện các diễn đàn chuyên chia sẻ mẹo mua hàng thu hút hàng triệu người.
Ví dụ trên Xiaohongshu (nền tảng được ví như sự tích hợp giữa Instagram và TikTok), hastag “haoyangmao” đề cập đến các chương trình giảm giá và phiếu giảm giá đã thu hút được hơn 5 tỷ lượt xem. Các bài đăng không chỉ liệt kê mức giá trung bình của các mặt hàng trên từng sàn thương mại, mà còn hướng dẫn người dùng cách truy cập các chương trình giảm giá hiện có và xác định các cửa hàng được đề xuất.
“Ban đầu, tôi đọc những lời khuyên như vậy để tiết kiệm tiền. Nhưng bây giờ, tôi coi đó như một thử thách thú vị”, Sun Mingxin (24 tuổi, Thượng Hải) chia sẻ.
Cô nói thêm, bản thân sẽ thấy mình như “kẻ thua cuộc” nếu mua món gì với mức giá cao hơn bạn cùng phòng. Đơn cử như với mức phí sinh hoạt hàng tháng trên 3.000 NDT (khoảng 10 triệu đồng), cô tự hào khi mua được những món hàng hấp dẫn như lon Coca Cola có giá bằng một nửa trong siêu thị.
Ảnh minh hoạ
Văn hoá “chạy đua” mua hàng giảm giá này được thúc đẩy bởi các thuật toán tìm kiếm của sàn thương mại điện tử, tức là ưu tiên các mặt hàng giá rẻ hơn, đặc biệt là 1688.com và Pinduoduo.
Một nhân viên tại Pinduoduo giải thích: “Ngay cả sản phẩm được gắn thẻ với mức giá chỉ thấp hơn 0,1 NDT (chưa đến 1 nghìn đồng), thuật toán của chúng tôi cũng ưu tiên mặt hàng đó, tự động đẩy lên đầu trang tìm kiếm, bất kể chất lượng cửa hàng như thế nào”.
“Điều đó đảm bảo rằng người tiêu dùng sẽ thấy nhiều lựa chọn hợp lý hơn, trong khi các nền tảng khác ưu tiên các yếu tố như tốc độ giao hàng bên cạnh vấn đề giá cả”, nhân viên này nói thêm.
Chia sẻ với Sixth Tone, người phát ngôn của Pinduoduo giải thích rằng nền tảng này xem xét nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm lịch sử mua hàng trước đó của người tiêu dùng và hiệu suất của cửa hàng, để điều chỉnh kết quả của thanh tìm kiếm. “Tại Pinduoduo, mọi người đều biết rằng chúng tôi coi trọng giá thấp hơn. Đó là yếu tố then chốt”, vị này nói.
Cuộc chiến làm hài lòng mong muốn mua hàng giá rẻ của “thượng đế”
Việc nhấn mạnh vào giá thấp do thuật toán của sàn thương mại điện tử sẽ giúp khách hàng săn hàng giá rẻ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, chúng cũng đặt ra những thách thức cho các nhà sản xuất. Để duy trì ưu thế cạnh tranh về giá trên các sàn, những nhà máy phải tìm cách giảm chi phí sản xuất mà không ảnh hưởng đến chất lượng.
Được thành lập vào năm 1997, Công ty TNHH Dệt kim Puning Zhongqiang ở phía nam tỉnh Quảng Đông đã cố gắng giữ giá bán đồ lót của họ ở mức dưới 10 NDT (khoảng 34 ngàn đồng). Và tại các xưởng nhỏ do gia đình quản lý, giá xuất xưởng có thể dưới 3 NDT (khoảng 10 ngàn đồng).
Jiang Yuyan (giám đốc của Puning Zhongqiang) cho rằng khả năng đưa ra mức giá cạnh tranh như vậy là nhờ chi phí nhân công và tiền thuê thấp ở thành phố Yết Dương. Sản phẩm chủ lực của họ – một chiếc quần lót, được bán lẻ ở mức 8,2 NDT (khoảng 28 ngàn đồng). Chúng chỉ phải chịu chi phí lao động chưa đến 0,8 NDT, cùng với các chi phí khác như tiền thuê nhà, điện và thuế, vẫn mang lại tỷ suất lợi nhuận gộp lên tới 30%.
Không gian bên trong công ty Puning Zhongqiang
Để thu hút các nhà sản xuất như Puning Zhongqiang tham gia nền tảng của mình, Pinduoduo đã triển khai một nhóm chuyên môn đến các vùng nông thôn, cung cấp hướng dẫn thực hành cho nông dân và chủ nhà máy về cách thiết lập cửa hàng trực tuyến của họ trên nền tảng, hoàn toàn miễn phí.
Người phát ngôn của Pinduodou cho biết các nhà máy bắt đầu mở cửa hàng trực tuyến mới trên nền tảng khác thường phải tốn đáng kể chi phí cho các dịch vụ xây dựng thương hiệu, quảng cáo và hậu cần, tất cả đều làm tăng mức giá cuối cùng mà người tiêu dùng phải trả. Tuy nhiên, trên Pinduodou, các chủ cửa hàng có thể giảm chi phí này, tập trung nguồn lực sản xuất và từ đó, góp phần hạ giá bán lẻ.
Năm 2019, Pindoudou tung ra chương trình trị giá 10 tỷ NDT (khoảng 34 ngàn tỷ đồng) để hỗ trợ một phần chi phí sản phẩm của nhà máy, từ đó cho phép người tiêu dùng mua hàng với giá giảm đáng kể.
Ví dụ: Một sản phẩm được niêm yết ở mức 100 NDT (khoảng 342 ngàn đồng) có thể được bán cho người tiêu dùng với giá 50 NDT (khoảng 171 ngàn đồng). Pinduoduo sẽ chi trả 50 nhân dân tệ còn lại, đảm bảo rằng người bán nhận được toàn bộ số tiền.
Chiến lược định giá giá rẻ trên Pinduoduo đã mang lại vô số giao dịch, có cả lợi và hại cho người tiêu dùng. Trên mạng xã hội, từng có nhiều người dùng chỉ trích nền tảng này bán sản phẩm hỏng, chẳng hạn mua nhầm hộp táo có giá 10 NDT (khoảng 34,2 ngàn đồng) nhưng có táo thối.
Nguồn: Sưu tầm