Một thảm kịch từng xảy ra tại Trùng Khánh (Trung Quốc) khiến hàng ngàn người đau lòng. Hai nữ sinh trung học cơ sở cùng nhảy từ tầng 33 xuống đất tử vong. Đáng nói, bài đăng trên mạng xã hội của các em 20 phút trước đó khiến nhiều người không kìm được nước mắt.
Khoảng 4 giờ chiều, hai em lần lượt đăng trên mạng xã hội: “Tôi đi đây, tạm biệt”. Trong bức ảnh, có thể thấy chân của nữ sinh thứ nhất đã mấp mé trên mép mái nhà. Một bài đăng khác: “Không còn ai có tên *** trên thế giới nữa, nó đã biến mất”, và bàn tay của nữ sinh thứ hai đưa ra phía ngoài như đang nói lời tạm biệt với thế giới.
Hai em đã nhảy lầu 20 phút sau khi đăng bài viết trên mạng xã hội
Chúng ta không biết lúc đó những em học sinh đã nghĩ gì khi nhảy khỏi tòa nhà? Có lẽ đã rất tuyệt vọng… Những đứa trẻ thật đáng thương, cha mẹ các em cũng thật đáng thương. Nhưng đây là một bi kịch có thể tránh được:
Nếu cha mẹ quan tâm nhiều hơn;
Nếu cha mẹ và con cái giao tiếp nhiều hơn;
Nếu như…
Đáng tiếc có quá nhiều chữ nếu, nhưng đều không có tác dụng. Không có chữ “nếu” nào có thể mang lại cuộc sống tươi mới cho đứa trẻ.
Bi kịch đã xảy ra, người lớn mới nhận ra vấn đề
Một bé gái 12 tuổi ở thị trấn Nam Thông, tỉnh Giang Tô vì quá mệt mỏi vì đống bài tập ngập ngụa đã quyết định tự tử và để lại lá thư tuyệt mệnh. Bức thư tuy chỉ là một trang đơn giản nhưng câu chữ lại khiến người ta đau lòng, xót xa. Trên đó viết bốn chữ: “Tôi ghét cha mẹ”. Ngay cả câu cuối cùng cũng là “Hãy xé bài tập về nhà của tôi”.
Nhưng từ lá thư tuyệt mệnh này, chúng ta có thể thấy cha mẹ đã đặt lên con mình bao nhiêu áp lực nhưng lại không quan tâm đến cảm xúc của con cái. Áp lực đó đã hoàn toàn đè bẹp con cái họ. Cha mẹ không hiểu con mình mệt mỏi đến mức nào, nỗi đau của con cũng không có ai để tâm sự nên chỉ có thể chọn cách tiêu cực để nói với người lớn.
Trước đó, một nữ sinh 15 tuổi tên Thiên Thiên, cao 1m53, tóc thắt bím, đã mất tích gần 20 giờ sau khi cãi vã với bố. Trước khi mất tích, em mặc áo sơ mi kẻ sọc đỏ và quần jean ngắn màu sáng.
Sau đó, có người tìm được manh mối ở hồ nước cách nhà chưa đầy 300 mét. Sau bốn mươi phút cứu hộ, Thiên Thiên được kéo lên khỏi mặt nước nhưng đã tử vong. Hàng xóm phải giữ mẹ em lại vì sợ chị sẽ mất bình tĩnh mà làm điều dại dột. Có mặt ở hiện trưởng, Hiệu trưởng ngôi trường Thiên Thiên theo học bật khóc nói: “Em học sinh này ở trường rất ngoan ngoãn. Tôi không bao giờ ngờ tới”.
Tất cả những câu chuyện đau lòng này, nguyên nhân đằng sau không chỉ đơn thuần do khả năng chịu đựng kém của trẻ em ngày nay hay áp lực học tập, mâu thuẫn gia đình. Nó còn cho thấy sự thiếu hụt về giáo dục của cha mẹ.
Không nên tránh “giáo dục cái chết”
Không biết từ bao giờ, nhiều em bắt đầu tin rằng cái chết là sự giải thoát, là giải pháp “tốt nhất”.
Năm 2015, bốn đứa trẻ (1 trai, 3 gái) trong một gia đình ở Quý Châu cùng nhau tự sát bằng thuốc trừ sâu dichlorvos. Đứa trẻ lớn nhất 13 tuổi và nhỏ nhất mới 5 tuổi. Trong lá thư tuyệt mệnh các em để lại có câu này: “… Cái chết là giấc mơ của tôi trong nhiều năm, và hôm nay đã được giải tỏa…”. Năm 2019, một nam sinh 17 tuổi bất ngờ lao ra khỏi xe, nhảy khỏi cầu sau khi cãi nhau với mẹ. Trong đoạn video được ghi lại, người mẹ ngơ ngác trong giây lát rồi khóc lóc thảm thiết.
Đằng sau mỗi bi kịch đều có nguyên nhân, bất hạnh riêng, nhưng điều không nên bỏ qua đó là việc nhiều cha mẹ mẹ lơ là việc “giáo dục về cái chết” cho con. Đây chính là nguyên nhân quan trọng khiến nhiều thanh thiếu niên nghĩ đến cái chết như một giải pháp khi gặp phải những điều cực đoan.
Zhang Shumei, một chuyên gia giáo dục, đã chỉ ra rằng trẻ em sẽ có khái niệm về cái chết vào khoảng 4 tuổi. Nếu không nhận được sự hướng dẫn chính xác từ cha mẹ và giáo viên, chúng dễ có những hiểu lầm về cái chết, dẫn đến những cảm xúc tiêu cực, ảnh hưởng cả cuộc đời.
Thật không may, “cái chết” luôn là điều cấm kỵ lớn nhất trong các cuộc nói chuyện. Khi có cái chết xảy ra ở nhà hoặc ở gần đó, phản ứng tự nhiên của con người là xui xẻo. Họ ít khi bàn luận, nhắc đến chuyện đó với con cái, họ thường dùng những lời nói dối để trả lời những câu hỏi về cái chết.
“Giấc ngủ”, “Thiên đường”… là những từ được dùng để không gây chấn động tâm hồn trẻ thơ. Hầu như bậc cha mẹ nào cũng dùng những từ ngữ đẹp đẽ này để định nghĩa về cái chết. Những biện pháp này tưởng chừng như là một cách để bảo vệ tâm hồn đứa trẻ nhưng thực chất sẽ gây tác dụng ngược. Nó chỉ khiến trẻ em không hiểu được sự sống và cái chết nghĩa là gì, chúng cho rằng chết chỉ là giấc ngủ dài, hay bỏ lại thế giới đau khổ và đi đến một thiên đường vô tư. Khi gặp phải những điều cực đoan trong tương lai, trẻ nghĩ đến cái chết như một phương tiện giải thoát.
“Làm cha mẹ” có thể nói là bài học cả đời. Và bài học quan trọng nhất là giáo dục về cái chết.
Giáo dục cái chết chính là giáo dục cuộc sống, chủ đề này tuy nặng nề nhưng không nên né tránh. Trẻ không mỏng manh như bạn nghĩ. Trên thực tế, chúng dễ thích nghi hơn người lớn. Có rất nhiều điều không hoàn hảo trên thế giới này và trẻ em sẽ luôn nhìn ra manh mối.
Trẻ cũng sẽ hiểu được giá trị của cuộc sống trong quá trình giáo dục cái chết. Tôn trọng cái chết chính là tôn trọng sự sống. Một đứa trẻ tôn trọng sự sống sẽ đối xử tử tế với mọi ngọn cỏ, nhành cây, con vật; không muốn để bất kỳ sinh vật nào phải chịu đau khổ. Đó chắc chắn là một đứa trẻ dịu dàng và chu đáo.
Nguồn: Sưu tầm