Cụ thể, theo số liệu ghi nhận các trường hợp tiêm ngừa do loài vật gây thương tích, chó chiếm 74,8%, mèo 20,5%, dơi 0,2% và 4,6% và các loài vật khác. Hơn 60% là vết thương ở mức độ 3 (vết cắn sâu xuyên qua da gây chảy máu hoặc bị súc vật liếm lên vết thương hở).
Riêng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, trong 2 tháng đầu năm 2024 đã tiếp nhận điều trị 7 trường hợp bị dại do chó cắn và cả 7 ca đều tử vong. Đồng thời bệnh viện này cũng ghi nhận gần 5.300 lượt tiêm ngừa dại trong 2 tháng đầu năm, tăng hơn 1.000 lượt so với cùng kỳ năm ngoái.
Điều trị cho bệnh nhân nghi mắc bệnh dại do súc vật cắn tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM (Ảnh X.M)
HCDC nhấn mạnh, bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng có thể phòng ngừa. Cụ thể, với người nuôi chó mèo cần khai báo với chính quyền địa phương, tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo. Thực hiện nuôi, nhốt, xích hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình, không thả rông, nhất là ở các khu đô thị, nơi đông dân cư.
Trường hợp người bị chó, mèo cắn, cần xử lý y tế ban đầu ngay sau khi bị cắn và đến các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị dự phòng kịp thời. Không sử dụng thuốc đông y (thuốc nam, thuốc bắc) hoặc các thuốc khác không theo quy định của ngành y tế.
Nguồn: Sưu tầm