Trong những năm gần đây, trí tuệ nhân tạo (AI) đã phát triển với tốc độ chóng mặt, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Từ việc hỗ trợ quyết định trong kinh doanh, tự động hóa trong sản xuất, cho đến những trợ lý ảo trong cuộc sống cá nhân, AI đã mở ra một kỷ nguyên mới với vô vàn tiện ích. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích to lớn, sự phát triển nhanh chóng của AI cũng đặt ra nhiều lo ngại về tương lai của thị trường lao động.
Những lo ngại này không chỉ giới hạn ở một quốc gia hay khu vực cụ thể mà đã trở thành một vấn đề toàn cầu, khi mọi người từ mọi ngành nghề đều bắt đầu cảm nhận được áp lực từ sự cạnh tranh với các “đồng nghiệp” không biết mệt mỏi – những hệ thống AI. Điều này tạo ra một tâm lý chung về sự lo lắng đối với việc mất việc làm và tương lai bị đe dọa, đặc biệt là trong những ngành nghề mà AI được dự đoán sẽ có ảnh hưởng lớn nhất.
Người giỏi nghề cũng lo bị AI thay thế
Anh Hoàng Văn T, 25 tuổi (Phú Thọ), hiện đang đảm nhiệm vị trí Content Marketing tại một công ty truyền thông tại Hà Nội. Với mức lương 18 triệu đồng mỗi tháng, anh T từng tự hào về kỹ năng sáng tạo và khả năng tạo ra nội dung hấp dẫn thu hút người đọc. Tuy nhiên, gần đây, anh bắt đầu cảm thấy lo lắng khi chứng kiến các công cụ AI như ChatGPT, Claude có khả năng tạo ra bài viết và nội dung marketing chỉ trong vài phút. Những công cụ AI này không chỉ rẻ mà còn hiệu quả, dần dần thay thế nhu cầu về nhân sự sáng tạo trong ngành.
Chưa kể đến, bản thân ban lãnh đạo nơi anh T đang làm việc thời gian gần đây cũng đang cân nhắc việc cắt giảm nhân sự trong bộ phận marketing trong bối cảnh công ty này đang sụt giảm doanh thu về truyền thông/quảng cáo do nhiều khách hàng ‘thắt lưng buộc bụng’ vì khó khăn kinh tế. Sau khi ‘nghe ngóng’ được tin công ty đang có chủ trương ứng dụng công cụ AI để bù đắp cho việc thu nhỏ quy mô nhân sự và giảm bớt chi phí hoạt động, anh T đã chuẩn bị sẵn tinh thần cho ‘cái kết’ khi mình sẽ mất việc vào tay những “đồng nghiệp” máy móc. Chưa kể đến, việc ngành marketing, đặc biệt là lĩnh vực content marketing đang ứng dụng AI trong việc tạo nội dung đã khiến anh cảm thấy bất an về tương lai công việc và sự nghiệp mà mình đã dày công xây dựng.
Các ngành nghề liên quan tới sự sáng tạo đang là đối tượng cảm thấy bị ‘đe dọa’ nhiều nhất bởi AI
Giống như T, anh Đỗ Thanh H, 28 tuổi, lập trình viên tại TP.HCM, cũng là một nhân sự được đánh giá là có chuyên môn tốt trong lĩnh vực IT. Sau 4 năm đi làm, anh hiện nhận mức lương 30 triệu đồng mỗi tháng tại một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực blockchain. Từng tự hào về kỹ năng giải quyết vấn đề và khả năng phát triển ứng dụng của mình, tuy nhiên anh H cũng bắt đầu cảm nhận được nơi nóng từ các các công cụ phát triển phần mềm dựa trên AI, có khả năng tự viết mã và tự động sửa lỗi hiệu quả.
Theo đó, sự tự động hóa này không chỉ giảm bớt nhu cầu về nhân lực lập trình mà còn đe dọa tới mức thu nhập và tương lai nghề nghiệp của những người như anh H. Điều này khiến anh lo lắng không chỉ về khả năng mất việc mà còn về việc liệu kỹ năng của mình có còn được trân trọng trong một thế giới ngày càng do AI làm chủ hay không. Bản thân anh cũng đang đối mặt với áp lực phải liên tục cập nhật và học hỏi kỹ năng mới để không bị tụt hậu so với những đổi mới của công nghệ.
Nên sợ AI hay nên làm bạn với AI?
Trong cuộc cách mạng AI hiện nay, quan điểm về mối quan hệ giữa con người và AI vẫn đang nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ chuyên gia từ các ngành khác nhau đồng tình với ý kiến AI nên được sử dụng để nâng cao hiệu quả công việc.
Chị Lê Thanh Mai, một chuyên gia marketing với hơn 10 năm kinh nghiệm, chia sẻ cách thức mà AI đã cách mạng hóa cách phân tích dữ liệu và tối ưu hóa các chiến dịch. “AI giúp chúng tôi phân tích dữ liệu khách hàng một cách nhanh chóng và chính xác, từ đó tối ưu hóa nội dung và thời gian gửi các chiến dịch quảng cáo. Nhờ đó, chúng tôi không chỉ tiết kiệm được thời gian mà còn tăng cường hiệu quả của các chiến dịch”. Chị Mai nhấn mạnh, sự hỗ trợ của AI không làm mất đi công việc mà còn giúp cải thiện chất lượng công việc và mở rộng khả năng sáng tạo của các nhà marketing.
Trong lĩnh vực Thiết kế đồ họa, nỗi lo về AI thay thế con người cũng được đề cập, nhưng một góc nhìn mới mẻ và tích cực đã được bày tỏ bởi anh Nguyễn Đức Thành, một chuyên gia thiết kế đồ họa với hơn 12 năm kinh nghiệm. Anh Thành chia sẻ, “Trí tuệ nhân tạo mang lại những lợi ích không thể phủ nhận trong việc tối ưu hóa và tăng tốc quy trình thiết kế, nhưng thiết kế đồ họa không chỉ là về tốc độ và hiệu quả. Sự sáng tạo, cảm xúc và hiểu biết sâu sắc về thị hiếu thẩm mỹ của công chúng là những yếu tố quyết định tạo nên dấu ấn của một sản phẩm”.
Nhiều chuyên gia tại Việt Nam khẳng định, AI không phải là kẻ thù mà là công cụ hỗ trợ quan trọng, giúp tăng hiệu suất công việc.
Anh Thành nhấn mạnh, “AI có thể hỗ trợ chúng ta trong việc tạo ra những mẫu thiết kế nhanh chóng dưới sự điều khiển của con người, nhưng không thể thay thế được sự sáng tạo và trí tuệ cảm xúc của nhà thiết kế”. Anh cũng khuyến khích những người làm trong ngành thiết kế đồ họa phải biết cách tận dụng AI như một công cụ bổ trợ, đồng thời không ngừng cập nhật kiến thức và kỹ năng mới. “Qua đó, chúng ta có thể tạo ra những sản phẩm thiết kế độc đáo, có dấu ấn cá nhân và giữ vững lợi thế cạnh tranh trong ngành”, anh kết luận.
Theo ông Lê Anh Tuấn, một chuyên gia có 15 năm trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại Hà Nội, việc tận dụng AI đòi hỏi sự phát triển kỹ năng và thích nghi từ người lao động. “AI mở ra ngành nghề mới và cơ hội tăng cường sự sáng tạo. Ví dụ, trong Thiết kế đồ họa, AI giúp tối ưu hóa công việc nhưng cần con người để thêm giá trị sáng tạo. Điều quan trọng”, ông nhấn mạnh, “là những chuyên gia cần cập nhật kỹ năng để bổ trợ cho công việc, qua đó nâng cao giá trị của bản thân và sản phẩm”.
Ông Tuấn khuyến khích việc thích nghi với AI, không chỉ để giữ vững vị thế cạnh tranh mà còn để mở rộng khả năng sáng tạo và giải quyết vấn đề. “Tương lai làm việc cùng AI đầy hứa hẹn cho những ai sẵn sàng học hỏi và thích nghi”, ông kết luận, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thích nghi và phát triển bản thân trong kỷ nguyên số.
Nguồn: Sưu tầm