Ngày 24/2, TikToker Phạm Thoại đã đăng tải video về sự cố với chiếc máy lọc nước của gia đình. Cụ thể, kể từ khi mua cho đến nay, máy lọc nước nhà anh chưa được lắp lõi lọc. Ban đầu, nam Tiktoker còn tưởng rằng phần lõi lọc là hàng được tặng thêm. Cho đến khi thợ máy mở ra kiểm tra thì bên trong không có lõi. Thấy vậy, Phạm Thoại đã thốt lên “một năm qua uống nước bằng niềm tin”. Hay nói cách khác, gia đình anh suốt một năm qua dùng nước trực tiếp từ máy lọc nhưng thực tế, nước này chưa được xử lý triệt để.
Từ trường hợp của nhà Phạm Thoại, một nhân viên kỹ thuật đã lên video cho biết đây là tình huống nhiều gia đình cũng gặp phải. Theo người này, màng RO là phần quyết định chất lượng nước mà chúng ta uống trực tiếp vào người. Các nhà sản xuất thường hút chân không và để riêng phần màng lọc này ra ngoài, khi nào lắp mới mở ra để đảm bảo độ tiệt trùng. Tuy nhiên, nhiều trường hợp thợ máy không nắm rõ nên bỏ qua việc lắp màng lọc này.
Ảnh cắt từ clip
Ở dưới phần bình luận, một số người dùng bày tỏ sự hoang mang vì bấy lâu nay sử dụng mà không hề kiểm tra. Một số khác thì xác nhận đã rơi vào trường hợp tương tự.
Màng RO là gì?
Màng RO, hay màng thẩm thấu ngược, là một thành phần cốt lõi trong các hệ thống lọc nước RO. Loại màng này được làm từ chất liệu Polyamide, có độ mỏng cao và kích thước khe lọc siêu nhỏ, chỉ 0.0001 micron, giúp loại bỏ tới 99,9% vi khuẩn và tạp chất trong nước. Màng RO quyết định chất lượng nước sau khi được lọc, đảm bảo nước sạch và an toàn cho sức khỏe người dùng.
Tại sao phải thay màng RO? Bao lâu thì nên thay?
Máy lọc nước RO là sản phẩm nhằm cung cấp nguồn nước sạch cho các nhà máy, công ty, gia đình. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, lõi lọc sẽ dung nạp, hấp thụ một lượng tạp chất nhất định. Nếu nguồn nước đầu vào nhiều cặn bẩn, nhiều tạp chất thì hiệu quả của lõi lọc sẽ bị giảm sút, thậm chí ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống lọc.
Việc thay màng RO định kỳ là cần thiết để đảm bảo rằng hệ thống lọc nước RO hoạt động hiệu quả và duy trì chất lượng nước tinh khiết. Theo khuyến cáo của nhà sản xuất, màng RO nên được thay sau khoảng 12 đến 36 tháng, tùy thuộc vào chất lượng nguồn nước đầu vào và việc sử dụng các chức năng sục rửa màng. Nếu nguồn nước có mức TDS cao hoặc có nhiều cặn bẩn, việc thay màng có thể cần được tiến hành sớm hơn. Không thay màng RO đúng hạn có thể dẫn đến giảm tuổi thọ của máy, giảm chất lượng nước.
Bên cạnh đó, bộ lọc nước dùng lâu sẽ đóng nhiều tạp chất, cặn bẩn gây tắc màng lọc làm nước khó có thể thoát ra ngoài. Từ đó ngăn cản dòng chảy của nước khiến lượng nước cung cấp bị giảm, không đủ đáp ứng nhu cầu cho gia đình bạn sử dụng.
Hình minh họa. Ảnh: Internet
Hướng dẫn kiểm tra và tự thay màng lọc RO tại nhà
Để kiểm tra màng lọc RO, bạn cần sử dụng thiết bị đo TDS để xác định mức độ TDS của nước. Nếu kết quả cho thấy nguồn nước cứng hoặc có chỉ số TDS (Total Dissolved Solids – chỉ số thể hiện lượng chất rắn hòa tan có trong nguồn nước) cao, bạn nên thay màng lọc RO. Bên cạnh đó, cũng nên kiểm tra khe lọc của màng RO định kỳ để đánh giá tình trạng của nó.
Việc thay màng lọc RO tại nhà có thể thực hiện theo các bước sau đây:
1. Ngắt nguồn cấp nước và điện của máy lọc nước RO.
2. Tháo bỏ các ốc vít và mở nắp máy lọc nước để tiếp cận màng lọc RO.
3. Gỡ màng lọc cũ ra khỏi vị trí của nó và đặt màng mới vào.
4. Đảm bảo rằng màng mới được đặt chính xác và kín đáo.
5. Đóng nắp máy, vặn chặt ốc vít và kết nối lại nguồn cấp nước và điện.
6. Kiểm tra sự rò rỉ nước (nếu có) và chạy thử máy để đảm bảo màng lọc mới hoạt động đúng cách.
Lưu ý: Trước khi thực hiện quy trình thay màng, hãy đảm bảo rằng bạn đã đọc kỹ hướng dẫn sử dụng từ nhà sản xuất hoặc nhờ đến nhân viên kỹ thuật nếu không nắm rõ thông tin.
Tổng hợp
Nguồn: Sưu tầm