Xu hướng tiêu dùng thời trang xanh ngày càng nổi lên mạnh mẽ, tập hợp theo đó là đông đảo các thương hiệu địa phương hoặc các nhà mốt với thế mạnh là khả năng thủ công hóa, đa dạng hóa công năng sản phẩm hoặc cá nhân hóa mẫu mã cao…
Sáng lập thương hiệu thời trang La Phạm tại Việt Nam sau hơn 20 năm định cư, lập nghiệp ở Thụy Sĩ, chị Phạm Ngọc Anh chọn thời trang bền vững.
Chia sẻ với phóng viên, chị nói: “Việt Nam có 54 dân tộc anh em với 54 kho tàng về văn hóa thời trang, trong đó ẩn chứa vô vàn mật mã, là những họa tiết, hoa văn, màu sắc… Các phương pháp dệt, nhuộm vải, khâu, đan, đính, kết thủ công, cổ truyền của các dân tộc rất thú vị.
Hơn tất cả là trang phục, mỗi bộ quần áo như một câu chuyện hay về nhân sinh, mỹ quan, lịch sử, nghệ thuật… Bất cứ điều gì cũng có thể viết thành một ‘giai thoại’ từ câu chuyện chọn chàm để nhuộm đến câu chuyện trồng gai, se sợi, lăn đá làm vải, vẽ sáp ong”.
Đến vùng nguyên liệu, tìm thợ làm thời trang xanh
Bắt tay vào “bền vững hóa”, La Phạm bước vào hành trình tìm về từng vùng nguyên liệu nhằm hoàn tất quy trình xanh cho sản phẩm đối với nhà thiết kế Phạm Ngọc Anh. Chị cho biết, để tạo nên những chiếc áo dài độc bản từ những vuông toan, lụa tơ tằm tinh khiết chị và cộng sự đã tìm đến nhiều vùng lụa từ Nha Xá (Hà Nam) đến Bảo Lộc (Lâm Đồng)…
Để tạo nên những thiết kế thổ cẩm khiến khách hàng Việt kiều, Âu, Mỹ… yêu thích, chị đã đi nhiều nơi ở vùng núi phía bắc, đến nhà những người thợ nhuộm, thợ thêu người dân tộc Thái, Dao, Mông… Hành trình kéo dài từ tháng nọ qua tháng kia với chị không chỉ để tìm nguyên liệu, cảm hứng thiết kế, mà còn để học hỏi các phương pháp sản xuất thủ công, để không chỉ góp phần bảo tồn giá trị truyền thống chung mà còn giảm thiểu những tác động tới môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng…
“Thời trang xanh ở Việt Nam ngày một phát triển, ngày càng có nhiều khách văn minh, có trình độ lựa chọn. Sự am hiểu về thời trang bền vững, nghề thủ công, nghệ thuật truyền thống của họ là nguồn cảm hứng, động lực cho những người làm thời trang xanh. Có thể nói, thời trang chỉ thực sự xanh và bền vững khi nó thuộc về một cộng đồng”, nhà thiết kế Phạm Ngọc Anh nói
ẢNH: LA PHẠM
Chọn đúng “người yêu”, thời trang xanh rộng cửa phát triển
Khách hàng của thời trang bền vững từ lâu vẫn được biết đến là những người tiêu dùng đến từ châu Âu, Mỹ hay Nhật. Tuy nhiên, gần đây điều này đã thay đổi. Nhiều khách hàng trong nước trở thành tín đồ của thời trang xanh.
“Trong lúc thời trang nhanh chiếm thị phần lớn nhưng chưa chắc đã mạnh, thì thời trang bền vững đang ngày một… vững. Tuy giá thành cao nhưng các sản phẩm xanh bền, tốt cho sức khỏe, thân thiện với môi trường, lại thêm thẩm mỹ độc đáo và thiết kế vượt thời gian nên chúng chinh phục được nhiều đối tượng khách hàng, từ những tín đồ thời trang cao cấp đến các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, quản lý, hoạt động xã hội”, nhà thiết kế Phạm Ngọc Anh cho biết.
Dẫn đầu xu hướng thời trang xanh, những KOL, người nổi tiếng, nghệ sĩ yêu thời trang xanh mở ra tiềm năng phát triển mạnh mẽ cho nó, mang đến những định hình mới mẻ về thời trang. Qua cách thể hiện của họ, thời trang bền vững trở nên sành điệu, ấn tượng hơn.
Người mẫu Dung Dương, một trong những tín đồ của thời trang xanh, cho biết: “Việc những người nổi tiếng, KOL và nghệ sĩ yêu thích, sử dụng thời trang bền vững giống như một hiệu ứng domino, lan tỏa thông điệp tích cực đến hàng triệu người hâm mộ. Họ trở thành những đại sứ của phong cách sống bền vững, truyền cảm hứng cho công chúng quan tâm hơn đến nguồn gốc và tác động của những bộ trang phục mình mặc.
Điều này không chỉ giúp nâng cao nhận thức về thời trang bền vững mà còn tạo ra một làn sóng yêu thời trang xanh trong xã hội, cổ vũ nhiều nhà sản xuất vào cuộc theo đuổi mô hình kinh doanh bền vững hơn”.
Nguồn: Sưu tầm