Lucy Edwards chỉ mất vài giây để tạo nên lịch sử trên sàn diễn thời trang xuân hè 2025 của nhà thiết kế Sinéad O’Dwyer trong vai trò là người mẫu khiếm thị. Sự kiện nằm trong khuôn khổ của Tuần lễ thời trang Copenhagen (Copenhagen Fashion Week) tổ chức vào đầu tháng 8.2024 tại thủ đô của Đan Mạch.
Trên sàn diễn có sự đa dạng bậc nhất về người mẫu (vóc dáng, màu da…) Lucy Edwards mặc một chiếc áo sơ mi dài tay kiểu pyjama bằng vải cotton sáp nhàu màu kem với chi tiết đường may kiểu Pháp, có dải vải để điều chỉnh độ rộng của phần ngực áo kèm 2 kẹp họa tiết phía thân trước. Chiếc áo được phối quần culottes midi cùng chất liệu, kèm thắt lưng. Phía sau lưng cô là một bức tượng màu neon sáng giống như màu của bộ dây đai dành cho chú chó dẫn đường.
Cofone, người điều hành Hair and Care, tổ chức phi lợi nhuận làm việc trong lĩnh vực mở rộng không gian tiếp cận thời trang và làm đẹp cho người khiếm thị cho biết: “Chỉ vì một người bị mù, không có nghĩa là họ không quan tâm đến ngoại hình của bản thân. Sự thật hoàn toàn ngược lại”.
Để lưu giữ ký ức về cha, một người bị mất thị lực vì bệnh viêm võng mạc sắc tố yêu thích việc chải chuốt và mặc đẹp, Cofone thành lập Hair and Care vào năm 2019. Cô nói người mù và người có thị lực kém không thể tiếp cận với lĩnh vực làm đẹp, đặc biệt là tóc. Việc bước vào tiệm tóc là một thách thức vì hầu hết mọi người không biết cách để giao tiếp với người khiếm thị. Tổ chức của Cofone mở ra các buổi hội thảo hướng dẫn người khiếm thị cách tạo kiểu tóc. Cô giúp Lucy Edwards ghi tên mình vào lịch sử của ngành thời trang.
Lucy Edwards bị mất thị lực từ năm 17 tuổi do đột biến gen hiếm gặp có tên là incontinentia pigmenti. Hành trình tự chấp nhận bản thân được cô gái 28 tuổi này chia sẻ qua cuốn hồi ký Blind, Not Broken. Câu chuyện của cô truyền cảm hứng cho nhiều người khiếm thị khác và giúp cô được mời làm đại sứ của Pantene và Barbie.
Trước khi trình diễn tại Tuần lễ thời trang Copenhagen tại Đan Mạch vào tháng 8 năm nay, Lucy từng đến Anh xem show của Sinéad tại Tuần lễ thời trang London mùa trước.
Chương trình lần này có sự tham gia của Hiệp hội Người mù Đan Mạch, nhà thiết kế Sinéad O’Dwyer và Cofone. Ngoài việc mời người mẫu khiếm thị trình diễn, ban tổ chức còn mời những khán giả, tín đồ thời trang là người khiếm thị trải nghiệm bộ sưu tập mới qua “chuyến tham quan” bằng xúc giác. Theo đó, khán giả đeo tai nghe và thưởng thức thời trang bằng bản ghi âm thanh cho từng kiểu dáng (look). Một tập sách nhỏ chứa mẫu vải giúp họ cảm nhận rõ nét về chất liệu và kết cấu của trang phục.
Trước Lucy Edwards tại Copenhagen Fashion Week, từng có show thời trang dành riêng cho người khiếm thị tổ chức tại Paris Fashion Week năm 2016. Thay vì sử dụng các công cụ hoặc chó dẫn đường như thông thường, các người mẫu khiếm thị trình diễn bằng cách bám vào một sợi dây thừng căng dọc theo sàn catwalk.
Nhiều người khiếm thị hoặc có thị lực kém trình diễn trong show thời trang đặc biệt này, bao gồm người mẫu Amanda Swafford (từng là thí sinh America’s Next Top Model), Katia Hadjeb; hay Hoa hậu April Lufriu và con gái Savannah (cả hai đều mắc bệnh viêm võng mạc sắc tố)… Những chương trình thời trang này cho thấy bất kỳ ai cũng có thể trở thành một phần của thời trang và người khiếm thị có thể làm được bất cứ điều gì, kể cả trình diễn catwalk.
Nguồn: Sưu tầm