Nhiều phụ nữ không còn lựa chọn nào khác khi buộc phải từ bỏ sự nghiệp để làm bà nội trợ, chăm sóc cho gia đình. Họ làm nhiều việc không lương, không quan tâm đến bản thân nhưng hầu như không được đánh giá cao.
Nhiều ông chồng chê vợ “ở nhà không nắng gió, quét nhà chăm con thì có làm gì cực khổ”. Trong gia đình có người bố như vậy, con cái cũng hình thành tâm lý coi thường vai trò của mẹ. Nhiều bà mẹ dù bị đối xử bất công vẫn âm thầm chịu đựng mọi chuyện vì gia đình. Nhưng không phải tất cả đều như vậy. Câu chuyện sau đây là một ví dụ.
Ảnh minh hoạ
Theo đó, một bà mẹ ở Trung Quốc nhiều năm ở nhà làm nội trợ. Trong lần cùng con trai đi mua sắm Tết, chị muốn mua một chiếc túi 1.000 Nhân dân tệ (khoảng 3,5 triệu đồng) nhưng cậu con trai phản đối.
Cậu nói: “Mẹ không kiếm được tiền thì không biết kiếm tiền khó khăn thế nào. Chỉ đi một vài dịp đám cưới, lễ Tết thì cần phải bỏ tiền ra mua chiếc túi không?”. Cậu liên tục đòi mẹ trả lại hàng. Tuy nhiên, người mẹ vẫn nhất quyết dùng tiền tiết kiệm để mua theo ý mình.
Về đến nhà, chị tưởng chồng sẽ lên tiếng thay mình, không ngờ anh lại bênh con, tranh cãi với vợ.
Bị đứa con trai yêu thương nhất nói những lời tổn thương, người mẹ vô cùng đau lòng. Những tưởng chị sẽ âm thầm chịu đựng, ai ngờ sau đó tung ra một đòn “phản công” thầm lặng nhưng mạnh mẽ.
Chị bắt đầu không nấu ăn, quét nhà, dọn dẹp nhà cửa. Mọi việc cần thiết, yêu cầu chồng con cùng làm. Nhất là đứa con đang tuổi lớn, thay vì phục vụ đủ nhu cầu của nó, chị bắt con tự làm.
Và cuộc chiến tranh lạnh này có kết quả vào ngày thứ 9. Sau nhiều ngày phải “lăn vào bếp”, cậu con trai cuối cùng đã xin lỗi mẹ.
Người mẹ cho biết, chị biết rất rõ con xin lỗi để được chăm sóc như trước đây. Tuy nhiên, sau khi trải qua “vết thương lòng” này, chị hiểu rằng mình phải buông bỏ bớt và không thể cho đi một cách mù quáng nữa.
Chị nói với con: “Làm một bà mẹ nội trợ không có nghĩa là “mẹ vô dụng”. Sự chăm chỉ và cống hiến không thể đo bằng tiền. Mẹ không có thu nhập cố định nhưng tiết kiệm rất nhiều tiền cho cả gia đình, đây là thu nhập vô hình. Mẹ và những bà nội trợ khác tính toán kỹ càng mọi khoản chi tiêu để tài chính của gia đình ổn định hơn. Mẹ nấu ăn, dọn dẹp, giặt giũ và chăm sóc con cái, giúp cuộc sống gia đình thoải mái, thuận tiện. Sự cống hiến đó là có thật, cần được tôn trọng và công nhận.
Chính nhờ sự chu toàn đó mà cha mới có thể kiếm tiền và làm việc chăm chỉ ở bên ngoài. Con mới có thời gian ăn học không lo toan.
Hãy tưởng tượng, sau khi chúng ta ăn xong mỗi ngày, không ai rửa bát, lau bàn hay dọn dẹp. Nhà không có ai giặt quần áo hay thay chăn trong một tuần. Cả tháng nay không có ai dọn phòng hay đổ rác. Nhà của mình sẽ bẩn đến mức nào? Chúng ta có muốn về nhà không?”.
Đứa con trai cúi đầu im lặng.
Muốn con biết ơn, đừng làm thay con mọi việc
Virginia Satir, nhà trị liệu tâm lý người Mỹ, được công nhận nhờ phương pháp trị liệu gia đình cho biết: “Quan điểm sống, tính cách, thói quen sinh hoạt của một người đều chịu ảnh hưởng sâu sắc của gia đình và cha mẹ, nhiều yếu tố thậm chí còn mang tính quyết định”.
Mọi đứa trẻ sinh ra đều trong sáng và hoàn hảo. Khi một đứa trẻ ngày càng thiếu tôn trọng, không biết ơn cha mẹ thì chính cha mẹ phải suy nghĩ lại về những sai lầm trong quá trình giáo dục của mình. Cha mẹ bảo bọc con cái quá mức trên thực tế chính là lấy đi cơ hội trải nghiệm những kinh nghiệm phụ diện trong cuộc sống của chúng.
Nếu bạn không muốn trẻ bị đào tạo thành một con “sói kiêu ngạo”, thì tuyệt đối không nên thay trẻ làm quá nhiều thứ.
Trong cuộc sống hằng ngày, cha mẹ nên tạo điều kiện dạy bảo trẻ học cách cảm ơn, từ cảm ơn cha mẹ đến những ai giúp đỡ chúng. Thông qua những việc nhỏ này, những cảm xúc nhỏ sẽ khiến trẻ thành thục hơn với câu nói “cảm ơn”, cuối cùng sẽ học được cách biểu thị lòng biết ơn của mình đối với người khác. Tự bản thân trẻ từ đó sẽ tiết chế hành vi và cảm xúc của mình, hạn chế thấp nhất những thương tổn cho bản thân và tránh tổn thương người khác từ hành động, lời nói và sự ích kỷ của mình.
Nguồn: Sưu tầm