Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình vào năm 1985, bà Margaret Thatcher chia sẻ: “Bạn không mất đi những phẩm chất nữ tính của mình chỉ vì bạn là thủ tướng. Tôi thường đeo nơ. Chúng khá mềm mại và đẹp”.
Với tư cách là nữ Thủ tướng đầu tiên của Vương quốc Anh, dễ thông cảm khi Thatcher bộc lộ ra bên ngoài sự cứng rắn giống như các đồng nghiệp nam và thu hút càng ít sự chú ý đến giới tính của mình càng tốt. Tuy nhiên, “người đàn bà thép” hiểu rằng chính trị là sự dung hòa khéo léo giữa quyền lực mềm và cứng.
Qua chia sẻ trên truyền hình có thể thấy bà sử dụng quần áo làm công cụ xoa dịu sự thô ráp được hình thành trong suốt hơn 11 năm nhiệm kỳ. Một trong kiểu trang phục được bà Thatcher yêu thích nhất mỗi lần xuất hiện công khai là áo nơ pussybow.
Thuật ngữ trên bắt đầu phổ biến vào thế kỷ 20 khi bài báo vào năm 1955 của tờ Newburgh News mô tả nó lấy cảm hứng từ kiểu nơ thường thắt lên cổ những con mèo cái, với thiết kế phồng lên một cách nữ tính từ đường viền cổ áo cao.
Trên thực tế, ý tưởng gắn nơ vào áo cánh hoặc thân áo xuất hiện từ lâu đời hơn. Kiểu trang trí này được gọi là cà vạt Lavalière, theo tên Nữ công tước Louise de La Valliére – tình nhân của Vua Louis XIV (trị vì Pháp từ năm 1643 đến 1715). Theo một ghi chép về lịch sử cà vạt, nữ công tước bị chiếc cà vạt của nhà vua thu hút đến mức tự làm một chiếc bằng ruy băng.
Bà La Valliére không bao giờ có thể đoán được sở thích của mình được đông đảo phụ nữ của ba thế kỷ sau sử dụng để giành được sự tôn trọng và truyền tải những thông điệp quan trọng.
Sự nữ tính trong thế giới đàn ông
Sau bà Thatcher, áo nơ pussybow trở thành món đồ không thể thiếu của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. Nữ chính trị gia mặc áo sơ mi thắt nơ trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống của mình: Từ Hội nghị toàn quốc của đảng Dân chủ vào tháng 8, cuộc tranh luận tổng thống trên truyền hình với Donald Trump đến buổi trò chuyện đầy sao với Oprah Winfrey vào tháng 9.
Vào đầu tháng 10, bà Harris tiếp tục chọn kiểu trang phục này trong cuộc phỏng vấn trong chương trình 60 Minutes với Bill Whitaker. Những đường nét sắc sảo của bộ vest màu mận chính được làm dịu đi bởi chiếc áo cánh thắt nơ cùng màu.
Không phải tự nhiên mà những người phụ nữ quyền lực tin dùng áo nơ pussybow. Vào khoảng giữa thế kỷ 20, nó là trang phục chủ chốt trong tủ đồ của một làn sóng phụ nữ lao động mới.
Trong giai đoạn 1950-1970, tỷ lệ phụ nữ kết hôn ở độ tuổi 35 đến 44 tham gia lực lượng lao động Mỹ tăng vọt từ 25% lên 46%. Câu hỏi về việc họ nên mặc gì vừa là nỗi lo lắng thực tế, vừa là khoảng trống trên thị trường đối với một số người.
Trong cuốn sách nổi tiếng The Women’s Dress for Success (tạm dịch: Trang phục của phụ nữ để thành công), xuất bản năm 1977, tác giả John T. Malloy đề xuất những chiếc áo sơ mi có cổ làm đồng phục không cần bàn cãi dành cho phụ nữ có tham vọng sự nghiệp. Ông nói thêm chúng nên được mặc với váy vì quần không phù hợp với công sở.
Một loạt phụ nữ mới được tuyển dụng vào những năm 1970 và 1980 đồng ý với quan điểm trên. Từ đó, sự phổ biến bất ngờ của áo sơ mi cài nơ trong các công sở củng cố vị thế của nó như một biểu tượng cho làn sóng thứ hai của chủ nghĩa nữ quyền.
Tuy nhiên, thời điểm đó, việc trao quyền cho phụ nữ phần lớn vẫn bị bỏ lại ở hành lang. Đúng là phụ nữ có mặt ở nơi làm việc, nhưng họ không được đối xử bình đẳng. Đàn ông thường có những kỳ vọng khắt khe về cách ăn mặc của các nữ đồng nghiệp. Năm 1973, Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã khiển trách phóng viên Helen Thomas vì mặc quần lửng, nói rằng ông thích cô mặc váy hơn.
Tin mừng là theo thời gian, vị trí của phụ nữ trên thế giới ngày càng vững chắc hơn và được tôn trọng hơn dù vẫn chưa triệt để.
Bằng cách giống với cà vạt truyền thống, phần đuôi dài của chiếc áo sơ mi cài nơ Lavallière báo hiệu sự đồng hóa mà vẫn có bản sắc riêng.
“Chúng tôi mặc vest với váy, áo khoác, áo sơ mi cài cúc và một chiếc nơ nhỏ. Đó là cách chúng tôi diễn giải cà vạt của đàn ông. Đó là nỗ lực của chúng tôi để trở nên nữ tính nhưng vẫn phù hợp với thế giới của đàn ông”, Meg Whitman, một trong những giám đốc điều hành nữ đầu tiên của tập đoàn hàng tiêu dùng đa quốc gia Proctor and Gamble, cho biết trong bộ phim tài liệu Makers: Women Who Make America (2013)
Ngày nay, sau nhiều thập kỷ cải thiện quyền bình đẳng giới tại nơi làm việc, áo pussybow vẫn là trang phục chủ lực an toàn cho tủ đồ của những người phụ nữ quyền lực.
“Đó là cách để nói rằng ‘Tôi là một người chuyên nghiệp’ và làm dịu đi điều đó. Nếu bạn quá nam tính, bạn sẽ bị coi là mối đe dọa. Bạn không thể thoát khỏi một triệu năm bị gò bó chỉ trong một thế kỷ”, nhà thiết kế thời trang nữ đến từ New York Nina McLemore nói với CNN .
McLemore nổi tiếng trong giới với tư cách người thiết kế trang phục cho các chính trị gia nữ của Mỹ từ cựu Ngoại trưởng Hilary Clinton, Thượng Nghị sĩ Elizabeth Warren, Dân biểu đảng Dân chủ Maxine Waters đến Thẩm phán Tòa án Tối cao Elena Kagan.
Sức mạnh của áo nơ pussybow
Áo nơ pussybow cũng được diễn giải như một lời tuyên bố vượt ra ngoài nơi làm việc. Vào năm 2016, các nhà quan sát suy đoán rằng Melania Trump chọn chiếc áo sơ mi Gucci Lavallière màu hồng nổi bật tại sự kiện công khai là như phản ứng trước bình luận khiếm nhã của chồng về phụ nữ.
Năm 2018, Sara Danius – người phụ nữ đầu tiên được bổ nhiệm làm người đứng đầu cơ quan trao giải Nobel, Viện Hàn lâm Thụy Điển – đã mặc áo nơ pussybow bằng lụa trắng đến một cuộc họp báo sau khi bà bị sa thải gây tranh cãi liên quan đến cuộc điều tra hành vi sai trái tình dục trong tổ chức (chồng của một thành viên trong viện bị cáo buộc lạm dụng tình dục hàng loạt trong 20 năm). Phụ nữ trên khắp Thụy Điển phản đối quyết định này, cho rằng không công bằng khi trừng phạt Danius vì tội ác của một người đàn ông. Họ học theo bà Danius mặc những chiếc áo tương tự để thể hiện tinh thần đoàn kết.
“Chiếc áo cánh đặc trưng của bà bỗng chốc thành xu hướng. Nó trở thành một biểu tượng của chủ nghĩa nữ quyền”, Jenny Sundén, giáo sư nghiên cứu về giới tại Đại học Södertörn ở Thụy Điển, chia sẻ.
Tương tự, Kate Moss mặc áo cổ nơ chấm bi màu trắng khi làm chứng tại phiên tòa xét xử tội phỉ báng của bạn trai cũ Johnny Depp vào năm 2022, như một lời khẳng định đại diện cho sự thật.
Bất chấp bối cảnh khác nhau, người ta tin rằng bà Trump, Moss và Danius sử dụng nét nữ tính vốn có của chiếc nơ để nhắc nhở thế giới về sự khác biệt giữa họ và những người đàn ông mà họ có liên quan.
Trang phục của họ nói lên rằng họ là những người phụ nữ nghiêm túc nhưng ấm áp, có trách nhiệm nhưng dễ gần và đáng tin cậy.
Tuy vậy, áo nơ pussybow gây tranh cãi giữa các luồng ý kiến bất đồng. Liệu nó có phải là biểu tượng của sự giải phóng phụ nữ, hay là lời nhắc nhở lỗi thời về áp lực mà phụ nữ phải đối mặt để thể hiện sự nữ tính ngay cả trong những không gian mà họ được cho là bình đẳng?
“Chỉ vì phụ nữ mặc nó như một phần của tủ quần áo công sở hoặc đồng phục, không có nghĩa là nó mang tính nữ quyền. Tôi nghĩ đó là lựa chọn kỳ lạ để trở thành biểu tượng nữ quyền. Nó lố bịch và vô lý theo cách nào đó, những cũng rất thú vị”, bà Sundén nhận xét.
Nhà thiết kế McLemore đồng ý với lập luận của nữ giáo sư. Bà bình luận: “Tôi nghĩ điều đó khiến bạn thấy buồn cười. Tôi nhớ đến những người phụ nữ thành công trong các công ty Mỹ mà tôi biết, các CEO của các công ty Fortune 500, và tất cả họ đều có một đặc điểm chung là khiếu hài hước”.
Nguồn: Sưu tầm