Vẻ đẹp độc đáo của những chiếc túi đan hay những đôi khuyên tai handmade luôn là tâm điểm thu hút sự chú ý của các tín đồ yêu thời trang nghệ thuật. Có rất nhiều thương hiệu thời trang thủ công ra đời từ niềm đam mê bất tận của những phụ nữ trẻ khéo tay, thạo nữ công gia chánh, có tư duy, thẩm mỹ thời trang.
Từ sở thích thủa nhỏ…
Năm 2020, trong thời gian nghỉ sinh con, chị Lê Thị Ngọc Dung (40 tuổi, người sáng lập thương hiệu Le’s Atelier) quyết định từ bỏ công việc ổn định của một cử nhân ngành Công nghệ thông tin để “khởi nghiệp” bằng những món phụ trang, phụ kiện từ vải vụn và các loại nguyên liệu thân thiện với môi trường.
Những món đồ chị Dung làm độc đáo, tinh xảo hệt như được làm từ những đôi bàn tay của người thợ thủ công ở làng nghề được rất nhiều khách hàng ưa thích. Ban đầu chị cung cấp sản phẩm cho thương hiệu thời trang La Phạm để “kết đôi” với các thiết kế của họ. Sau chính những khách hàng của La Phạm lại mê Le’s Atelier và đặt riêng hàng với chị Dung.
Dù chỉ mới khởi nghiệp, vẫn phải dành thời gian chăm con và lo liệu việc gia đình, song những lúc được ngồi mải mê với các món đồ handmade xinh xắn như vòng, lắc tay, khuyên tai, túi, ví… đối với chị Dung là những khoảnh khắc vô cùng thích thú. Chị cho biết đây chính là ước mơ từ thủa nhỏ của chị – sở hữu một tiệm thời trang xinh xắn từ những bài học nữ công gia chánh mẹ dạy năm xưa.
Những đôi khuyên, túi đan, móc… của Le’s Atelier đều do chị Dung tự tay làm từng chiếc một
ẢNH: LE’S ATELIER
… đến một thương hiệu thời trang thủ công riêng
Chị Dung cho biết, mỗi chiếc khuyên tai chị mất từ 3 – 4 tiếng để gia công. Mỗi chiếc túi đan, móc chị mất từ 1- 2 hôm đến cả tuần. Công đoạn “nghĩ” mẫu và lên màu sắc cho sản phẩm là lâu nhất với chị, mất cả tuần hoặc có khi cả tháng mới tìm được cảm hứng. Nguyên liệu để làm nên những sản phẩm của chị Dung đa phần là từ các loại vải vụn của thời trang. Có một số sản phẩm cao cấp thì chị Dung tìm nguyên liệu và đặt ở nước ngoài về.
Chị Dung chia sẻ: “Sản phẩm handmade hay các món đồ thời trang thủ công đang ngày càng trở thành xu hướng được giới trẻ yêu thích. Chúng mang một nét đẹp riêng, không thể tìm thấy ở các sản phẩm hàng loạt. Nếu được làm từ các chất liệu tự nhiên như vải, gỗ, da… hay từ các nguyên liệu thừa (theo xu hướng thời trang tuần hoàn, tái chế) thì nó còn đảm bảo thân thiện với môi trường. Trong mỗi sản phẩm handmade đều chứa đựng tâm huyết và tình cảm của người làm ra nó, đến tay người dùng nó tạo nên một giá trị kép, thể hiện những giá trị tinh thần sâu sắc…”.
Một số sản phẩm của Le’s Atelier do chị Dung làm thủ công
ẢNH: LE’S ATELIER
Khi được hỏi về những thách thức khi vận hành một thương hiệu thời trang thủ công được làm từ các vật liệu thời trang thừa và nguyên liệu xanh, chị Dung nói: “Thị trường thời trang xanh, thời trang thủ công ngày càng sôi động với sự xuất hiện của nhiều thương hiệu mới. Bạn trẻ nào cũng rất sáng tạo nên đều tạo được nét riêng từ thế mạnh riêng tạo ra “không khí” cạnh tranh đáng kể. Cùng với đó, sản phẩm handmade mất thời gian sản xuất khá lâu nên muốn làm nhanh, số lượng nhiều (để tăng doanh số, thêm lãi) không phải chuyện dễ”.
Cũng theo chị Dung, bên cạnh khó khăn thì thời trang thủ công cũng mở ra nhiều cơ hội. Ví dụ như ngày càng có nhiều người tiêu dùng tìm kiếm những sản phẩm độc đáo, mang tính cá nhân tạo nên thị trường rộng lớn hơn.
Ngoài ra, lĩnh vực này cũng tạo việc làm cho những lao động đặc biệt như nữ nội trợ, người lớn tuổi, sinh viên hoặc thợ làng nghề, góp phần cải thiện cuộc sống chung.
“Từ đây cơ hội phát triển bản thân cũng rất tốt. Người làm thỏa sức sáng tạo và phát triển khả năng còn người mua thì tha hồ thể hiện và trải nghiệm. Quan trọng là vốn để xây dựng những thương hiệu thời trang không cần nhiều, kéo theo rủi ro thấp, đây cũng được xem là ưu điểm”, chị Dung nói thêm.
Nguồn: Sưu tầm