‘Bác sĩ thời gian’ Huỳnh Minh Cảnh dành hơn 40 năm ‘chữa bệnh’, chăm sóc và bảo dưỡng cho những chiếc đồng hồ trên cổ tay, giúp duy trì hoạt động bền bỉ cho những tạo tác vài triệu, thậm chí lên đến vài tỉ đồng.
Tháo chiếc kính lúp tròn nhỏ gắn trên mắt phải đặt xuống bàn, ông Huỳnh Minh Cảnh (63 tuổi, TP.HCM) thở ra, dùng hai ngón cái và trỏ day day thái dương. Ông vừa hoàn tất tra dầu cho chiếc Hublot Classic Fusion, kết thúc một ngày bận rộn “chăm sóc” những tạo tác cất giữ thời gian trên cổ tay.
Ở độ tuổi lục tuần, ông Cảnh vẫn miệt mài với những cỗ máy thời gian. Dù đôi khi có hơi mỏi mắt do tuổi cao, lại phải tập trung quá lâu, vị “bác sĩ đồng hồ” vẫn quyết tâm gắn bó với nghề, ít nhất cũng phải 5-7 năm nữa.
Từ mưu sinh đến tình yêu với nghề “bắt mạch” thời gian
Hơn 40 năm trước, ông Huỳnh Minh Cảnh lần đầu biết đến nghề thợ sửa đồng hồ. Ông được người quen họ hàng giới thiệu theo học một thợ lành nghề ở Sài Gòn. Cứ tưởng chỉ làm để có cái mưu sinh, chăm sóc gia đình, nào ngờ thoáng cái ông đã giúp “chẩn đoán và chữa bệnh” cho hàng trăm nghìn chiếc đồng hồ “từ thượng vàng đến hạ cám”.
Ông cho biết sửa đồng hồ cũng như các loại thiết bị, máy móc khác, chỉ là mọi thứ đều nhỏ xíu, phải thật cẩn thận và tỉ mỉ mới làm tốt được. Sau khi “tốt nghiệp” khóa nghề, ông Cảnh mua một chiếc xe đẩy nhỏ, mở tiệm sửa đồng hồ ở góc đường Hồng Bàng.
TP.HCM những năm 80 thế kỷ trước thịnh hành các dòng đồng hồ tự động từ thương hiệu kinh điển như Orient, Bulova, Citizen, Benrus… Đây cũng là những “bệnh nhân” thường được khách hàng mang đến nhờ ông Cảnh sửa chữa.
“Hồi xưa nghề này chỉ đủ sống chứ khó giàu. Mà tại tôi mê nên mới ráng theo. Ai ngờ ‘dính’ luôn từ hồi trẻ tới giờ”, ông Cảnh nói, tay mân mê mấy cây vít nhỏ, xếp gọn vào hộp.
Thời đó chưa có nhiều người biết “spa” đồng hồ đeo tay nên hầu hết tìm ông chủ yếu để sửa, lên dây cót những cỗ máy tự động, cắt dây… Đồng hồ đeo tay cũng không phải sản phẩm dễ hư hỏng, cần sửa chữa mỗi ngày nên lượng khách chưa hẳn cố định. Song thứ giữ ông lại với nghề này không phải tiền mà là niềm đam mê.
Nhờ tay nghề cao cùng kinh nghiệm lâu năm, sau hơn 20 năm “mài đũng quần” ở góc đường Hồng Bàng, ông Cảnh được chủ tiệm đồng hồ Tân Tân tìm thấy trong một lần ghé nhờ ông tra dầu hộ chiếc đồng hồ yêu thích. Sau lần gặp đó, ông chính thức trở thành “bác sĩ chữa thời gian” tại Tân Tân.
Nhìn thời gian qua lăng kính cầu
Đến nay, ông Huỳnh Minh Cảnh đã giúp chẩn bệnh và bảo dưỡng cho hàng chục nghìn chiếc đồng hồ khác nhau tại Tân Tân. Hơn 20 năm gắn bó, ông xem nơi đây như ngôi nhà thứ hai. Những đồng nghiệp làm cùng không chỉ là bạn già mà còn có học trò, những người theo học nghề để nối tiếp sứ mệnh lưu giữ thời gian.
Ông Cảnh cho biết khi xưa không có nhiều trang thiết bị hiện đại như bây giờ. Thứ luôn gắn liền với người thợ sửa đồng hồ ngoài bộ ốc, vít, chai dầu máy… còn có chiếc kính lúp. Cứ thế, ông dành cả tuổi thanh xuân và năm tháng tuổi già để nhìn những bộ máy nhỏ xíu chuyển động từng giây, từng phút qua lăng kính cầu lồi.
Theo thời gian, nhu cầu gia tăng, công nghệ phát triển, ngày càng có nhiều mẫu đồng hồ phức tạp hơn ra đời. Ngoài không ngừng học tập, trau dồi thêm kiến thức và được những chuyên gia của hãng đào tạo huấn luyện liên tục về các dòng sản phẩm mới, ông Cảnh còn chăm chút, bổ sung đủ đầy cho bộ trang bị, dụng cụ của mình.
“Bộ dụng cụ, máy móc hỗ trợ là cần câu cơm của thợ sửa đồng hồ. Nhất là cái kính lúp, thiếu là coi như bỏ. Mà cũng nhờ nó mấy ông già U70 như tôi mới theo tiếp được cái nghề này”, ông Cảnh nói.
Tình yêu, kinh nghiệm song hành cùng trách nhiệm
Là người thợ chủ chốt của trung tâm sửa chữa, bảo dưỡng đồng hồ Tân Tân, ông Huỳnh Minh Cảnh luôn xem mỗi sản phẩm được khách hàng gửi đến là một minh chứng cho sự tin tưởng tuyệt đối của họ với mình. Bởi thứ họ gửi đến để bảo dưỡng, sửa chữa không chỉ có những chiếc giá vài triệu mà là vài trăm triệu, thậm chí lên đến hàng tỉ đồng.
Ông cho biết giờ đây những chiếc đơn giản của các thương hiệu tầm trung phổ biến như Longines, Tissot, Hamilton, Frederique Constant, Mido, TagHeuer… đã được phụ trách bởi những kỹ thuật trẻ tiếp nối tay nghề thường xuyên được đào tạo nâng cao của hãng. Ông chỉ chăm sóc những ca “khó chữa” hoặc những vị khách hạng sang, đắt tiền. Dù đôi khi có gặp chút khó khăn nhưng ông chưa bao giờ đầu hàng trước bất cứ chiếc đồng hồ nào. Làm lâu năm, có khi ông chỉ cần liếc nhìn, hay lắng nghe tiếng kim nhích nhẹ trên mặt số cũng đủ biết nó đang mắc bệnh gì.
Sự miệt mài tìm tòi, không ngừng trau dồi kiến thức và lan tỏa tình yêu nghề đến với thế hệ trẻ sau này của ông Cảnh là điều không chỉ riêng ông mà cả đội ngũ thợ sửa đồng hồ tại Tân Tân đều có. Toàn đội đều gồm những “bác sĩ” lành nghề với hơn 30 năm kinh nghiệm, chuyên sửa qua rất nhiều đồng hồ cao cấp trên thế giới.
Đến nay, Tân Tân đã giúp hơn 500.000 khách hàng tại TP.HCM và khu vực lân cận bảo dưỡng, sửa chữa, thay pin… cho những tạo tác thời gian. Đơn vị tự hào là nhà vận hành Service Center (Trung tâm Bảo hành Quốc tế) hàng đầu tại Việt Nam cho nhiều thương hiệu đồng hồ nổi tiếng thế giới như: Movado, Bulova, Citizen, Coach, Ferrari, Tommy Hilfiger, Lacoste, Alfex, Grovana…
Để đạt được sự ủy quyền này, Tân Tân phải liên tục đầu tư vào đào tạo kỹ thuật viên và phòng lab theo chuẩn cao cấp nhất của Thụy Sĩ. Thương hiệu vận dụng kinh nghiệm lâu năm nhất nhì Sài Gòn để sửa chữa đồng hồ, bảo trì – bảo dưỡng các thương hiệu hàng đầu như Hublot, Patek Philippe, Franck Muller, Breguet, Rolex, Omega…
Trung Tâm Bảo Hành Sửa Chữa Đồng Hồ Tân Tân
- 109-111 Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM
- www.donghotantan.vn
- Hotline : 0983 831 547
Nguồn: Sưu tầm