Mái tóc dày, khỏe tượng trưng cho sức khỏe, tuổi trẻ và sắc đẹp. Chính vì vậy nhiều người lo lắng và mất hẳn tự tin khi cảm thấy mái tóc ngày càng mỏng, đường chân tóc tụt dần để lộ vùng hai bên thái dương hay khi đỉnh đầu lộ rõ da đầu. Cấy tóc cho vùng chân tóc trước trán và hai bên thái dương thường cần số lượng tóc ít hơn vùng hói trên đỉnh đầu kéo dài về trán và sau gáy.
Có nhiều nguyên nhân khiến tóc dần rời xa chúng ta, bao gồm các lý do về tuổi tác và dinh dưỡng, lạm dụng hóa chất làm tóc, sử dụng nhiệt cao, bệnh lý… và cả do di truyền. Nếu tóc thưa, mỏng trải đều trên toàn bộ đầu thì vẫn có thể giấu đi bằng các thủ thuật tạo kiểu layer, làm tóc xoăn, xù, để tóc mái hay đổi đường rẽ ngôi. Đôi khi, các khuyết điểm như trán quá cao và dô, đường chân tóc cao, thái dương lõm… có thể sử dụng sáp hoặc phấn phủ chân tóc để tạo cảm giác tóc dày và nhiều. Tuy nhiên về lâu dài, hói ở vùng hai bên thái dương và phần đỉnh đầu hình móng ngựa thì “vô phương” giấu giếm.
Cấy tóc thẩm mỹ hay cấy tóc tự thân là thủ thuật lấy và cấy ghép nang tóc của chính mình. Nam và nữ sẽ bị hói theo những cách khác nhau, tuy nhiên dù tóc bị rụng rất nhiều ở vùng phía trước, đỉnh và hai bên đầu thì hai bên và phần sau đầu vẫn có nhiều tóc. Đây chính là vùng tóc sẽ được lấy để sử dụng cấy ghép.
Chuyên trang chăm sóc sức khỏe webMD cho biết những ca cấy ghép tóc đầu tiên được thực hiện tại Mỹ từ những năm 1950. Tuy nhiên kỹ thuật này đã thay đổi rất nhiều giúp rút ngắn thời gian thực hiện và gia tăng khả năng tóc được cấy sẽ phát triển khỏe mạnh.
Các quy trình thông thường bao gồm: làm sạch da đầu và tiêm thuốc tê vào phần phía sau đầu. Bác sĩ sẽ chọn một trong hai phương pháp cấy tóc phổ biến nhất là phẫu thuật cắt đơn vị nang trứng (FUT – Follicular Unit Transplantation) hoặc chiết tách đơn vị nang trứng (FUE – Follicular Unit Extraction). Sự khác biệt của hai phương pháp này nằm ở cách bác sĩ sẽ lấy nang tóc.
Với FUT, bác sĩ sẽ cắt một dải da đầu có chứa các nang tóc. Dải da đầu sẽ được chia nhỏ thành hàng ngàn mảnh nhỏ, mỗi mảnh chỉ có 1 hoặc vài nang tóc. Vết mổ được khâu lại và được che phủ bởi phần tóc khỏe mạnh xung quanh. Phương pháp này có hạn chế là làm giảm số lượng nang tóc hiến và để lại sẹo – người cấy tóc có ít lựa chọn để kiểu tóc ngắn sau này do tóc ngắn không che được sẹo.
Phương pháp FUE sẽ lấy từng nang tóc riêng lẻ và có thể tốn nhiều thời gian hơn. Bác sĩ sẽ cạo phần da sau đầu và lấy từng nang tóc tại khu vực này. Vùng da đầu sẽ lành và để lại những chấm nhỏ xen kẽ giữa phần tóc hiện tại. Kỹ thuật này làm giảm thời gian cần thiết sau phục hồi cấy tóc, không để lại sẹo và có thể thu hoạch được nhiều nang tóc hơn.
Sau khi chuẩn bị các mảnh ghép, vùng da đầu cần cấy ghép tóc được làm sạch và gây tê. Bác sĩ tạo các khe nhỏ bằng dụng cụ chuyên dụng và đặt vào đó các nang tóc.
Sau phẫu thuật, da đầu có thể rất mềm và người cấy ghép tóc có thể cần dùng thuốc giảm đau. Đôi khi họ được bác sĩ yêu cầu đeo băng hoặc kê toa thuốc kháng sinh hoặc thuốc chống viêm. Mọi người có thể trở lại làm việc từ 2 – 5 ngày sau khi phẫu thuật.
Tóc được cấy sẽ rụng trong vòng 2 – 3 tuần sau phẫu thuật tuy nhiên tóc mới sẽ mọc lên từ các nang tóc khỏe mạnh. Sau từ 6 – 9 tháng, tóc mới mọc thêm khoảng 60%.
Nam stylist cho biết anh chọn phương pháp FUE lấy từng nang tóc, các vết thương này phục hồi sau 2 ngày, không đau nhưng hơi ê, khó chịu khi nằm. Anh được gây mê trong 5 giờ thực hiện thủ thuật, sau 1 giờ nghỉ ngơi phục hồi được sinh hoạt bình thường và tháo băng sau một ngày. Bác sĩ dặn dò anh cần kiêng thuốc lá và thức uống có cồn trong thời gian một tháng và không gội đầu trong 3 tuần. Trước đó, Hoàng Ku có nhiều bạn bè từng đi cấy tóc làm đẹp tại Việt Nam, Thái Lan và Hàn Quốc.
Nguồn: Sưu tầm