Theo thống kê của Hội Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ Việt Nam, tỷ lệ ca xảy ra biến chứng là 14%, tương đương 25.000 – 35.000 ca trên tổng số khoảng 250.000 người phẫu thuật thẩm mỹ hàng năm.
Các biến chứng PTTM thường gặp
Theo Healthline, có 10 biến chứng thường gặp nhất của PTTM, trong đó nhiễm trùng và biến chứng liên quan đến gây mê là nguy hiểm hơn cả.
Các biến chứng thường gặp nhất bao gồm: sẹo; tụ máu (thường gặp ở các ca nâng ngực và căng da mặt); tụ dịch (thường gặp ở phẫu thuật căng da bụng); tổn thương thần kinh (có thể nhận diện bằng các triệu chứng ban đầu là cảm giác tê bì và ngứa râm ran); biến chứng nhiễm trùng xảy ra với khoảng 2 – 4 % người phẫu thuật ngực.
Huyết khối tĩnh mạch sâu và tắc phổi là tình trạng hiếm gặp nhưng nguy hiểm và có thể dẫn đến tử vong.
Tổn thương nội tạng có thể xảy ra khi hút mỡ, khi các đầu dò của thiết bị PTTM gây thủng hoặc rò rỉ nội tạng trong quá trình phẫu thuật.
Mất máu sẽ trở thành biến chứng nguy hiểm nếu không thể kiểm soát được. Có các biến chứng mất máu trên bàn mổ hoặc xảy ra bên trong cơ thể sau khi phẫu thuật.
Biến chứng liên quan đến gây mê có thể dẫn đến nhiễm trùng phổi, đột quỵ, lên cơn đau tim… gây tử vong. Ngoài ra có các nguy cơ phổ biến như run chân tay, lú lẫn, mất phương hướng.
Đáng chú ý là chi tiết “Thất vọng vì kết quả PTTM” được đưa vào top 10 biến chứng PTTM phổ biến nhất. Dù đa số bệnh nhân hài lòng với kết quả sau phẫu thuật nhưng vẫn sẽ có những người cảm thấy không hài lòng khi các đường nét mới không tự nhiên, không cân xứng… Thậm chí sự thất vọng và lo sợ PTTM hỏng còn là nguyên nhân khiến nhiều người tự hủy hoại bản thân.
Trang 8World đưa tin cô gái Tiểu Lý đã tử tự ngay trong ngày xuất viện, sau khi nỗ lực yêu cầu được ở lại bệnh viện vì cảm thấy không ổn của cô bị từ chối. Trước đó vào tháng 3.2023, cô gái 24 tuổi quyết định chỉnh sửa phần hàm và mũi bị to tại một bệnh viện thẩm mỹ tại Thượng Hải. Cô đã thực hiện 5 cuộc phẫu thuật, trong đó phẫu thuật mài xương có rủi ro cao. Một tháng sau, cô được cho xuất viện với lý do các chỉ số đều đạt tiêu chuẩn. Một năm sau đó, dù người mẹ vẫn chưa nguôi ngoai về mất mát nhưng bệnh viện nói việc con gái bà tự tử không có liên quan đến bệnh viện.
Cách kiểm tra cơ sở thẩm mỹ an toàn
Mới đây tại TP.HCM, thông tin người phụ nữ 70 tuổi tử vong vì căng da mặt gây bàng hoàng cho những tín đồ sắc đẹp. Để không phải lo sợ vẩn vơ và bị ám ảnh, ngoài việc nắm rõ thông tin về các biến chứng thường gặp trong PTTM, mỗi người nên tự mình kiểm tra cơ sở thẩm mỹ đạt tiêu chuẩn an toàn hay không.
Vào ngày 12.5.2023, sở Y tế TP.HCM đã ban hành Tiêu chí chất lượng áp dụng cho phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ trên địa bàn TP. HCM (phiên bản 2.1), bao gồm 14 tiêu chí bao quát các nội dung về nhân sự tham gia hành nghề, quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, quy trình khám chữa bệnh, điều kiện cấp cứu người bệnh, hồ sơ bệnh án, các biện pháp phòng ngừa nhằm giảm thiểu các sai sót sự cố y khoa…
Theo đó, bác sĩ khám chữa bệnh phải có bằng chuyên khoa phẫu thuật tạo hình hoặc chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ; Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ có nhân sự có chứng chỉ hành nghề gây mê hồi sức.
Tất cả nhân viên y tế được đào tạo và cấp giấy chứng nhận về cấp cứu hồi sức.
Trong tiêu chí về biển hiệu, quảng cáo và truyền thông đặt ra các yêu cầu cơ sở thẩm mỹ không được sử dụng từ ngữ dễ gây hiểu lầm như “nhất”, “số 1”, vi phạm điều cấm trong Luật quảng cáo; trang thông tin điện tử của đơn vị phải tuân thủ quy định của Bộ thông tin và Truyền thông…
Nguồn: Sưu tầm