Sau hôn lễ, Hà Nghi (29 tuổi, Trung Quốc) mới biết toàn bộ số tiền mừng cưới lên tới 660.000 NDT (tương đương hơn 2,2 tỷ VNĐ). Chưa kịp vui mừng thì cô đã bị tạt gáo nước lạnh bởi mẹ ruột của mình.
“Mẹ sẽ giữ toàn bộ số tiền cưới của con để trả nợ và hỗ trợ chi phí sinh hoạt của gia đình ta”, bà nói. Điều này khiến Hà Nghi vô cùng thất vọng.
Cô và chồng mới cưới vốn đã bàn với nhau sẽ sử dụng số tiền này để làm vốn lập nghiệp, coi đây là một cột mốc khởi đầu cho cuộc sống mới của hai vợ chồng. Vì thế, trước quyết định của mẹ, cô cảm thấy bị phản bội và thất vọng hơn bao giờ hết. Ngay lúc đó, Hà Nghi quyết định sẽ không bao giờ bước chân vào nơi gọi là “nhà” nữa.
Sau đám cưới, vợ chồng Hà Nghi chuyển đến thành phố khác và bắt đầu cuộc sống mới. Cô không chịu về nhà bố mẹ đẻ, thậm chí còn thầm thề trong lòng rằng sẽ không bao giờ để chuyện như thế này ảnh hưởng đến cuộc sống của mình nữa. Nhưng dù có cố gắng thế nào, nỗi thất vọng vẫn cứ quanh quẩn trong tâm trí cô như một cái bóng.
Sau khi chuyển đến một thành phố mới, Hà Nghi lao vào công việc, cố gắng lấp đầy khoảng trống trong tâm hồn và giúp ổn định cuộc sống bằng những thành tích sự nghiệp. Những nỗ lực của cô đã được đền đáp. Địa vị trong công ty cũng như thu nhập của cô ngày càng cao hơn. Nhìn bề ngoài, cô có một cuộc sống đáng ngưỡng mộ trong mắt người khác: công việc ổn định, gia đình êm ấm, điều kiện vật chất đầy đủ. Thế nhưng, cứ mỗi khi đêm khuya, nỗi nhớ nhà và nỗi buồn thương lại dâng lên trong lòng.
Hà Nghi tránh mọi liên lạc với quê hương, thậm chí từ chối trả lời các cuộc gọi và tin nhắn từ gia đình. Cô tự nhủ đó là cách để bảo vệ mình khỏi nỗi đau của quá khứ. Tuy nhiên, mỗi mùa lễ Tết, nhìn mọi người xung quanh nô nức về quê hương, quây quần bên gia đình, cô lại càng nhớ nhà da diết. Dường như hơi ấm quê nhà sẽ không bao giờ quay trở lại với người phụ nữ này.
Nhìn vợ không ngừng mâu thuẫn và đấu tranh, chồng của Hà Nghi nhiều lần đề nghị hàn gắn mối quan hệ với gia đình bên vợ. Thế nhưng mỗi lần anh ấy nhắc đến điều đó, Hà Nghi lại gạt phăng đi và từ chối tiếp tục chủ đề.
Bẵng đi một thời gian, 2 năm thấm thoắt trôi qua, Hà Nghi bỗng nhận được một cuộc điện thoại. Sau khi nghe máy, cô mới biết đối phương là anh trai của mình. Giọng của anh trai nghe có vẻ dè dặt nhưng qua từng câu chữ thận trọng, cô có thể cảm nhận được sự lo lắng của anh. Vì thế, sau khi do dự, Hà Nghi không cúp máy mà vẫn tiếp tục lắng nghe.
“Chúng tôi dần trò chuyện về đủ chuyện trong cuộc sống. Chủ đề tuy nhẹ nhàng, bình dị nhưng tình cảm gia đình đã lâu không có khiến bức tường băng trong lòng tôi bắt đầu rạn nứt”, Hà Nghi kể. “Anh tôi không nhắc đến chuyện tiền nong ngày xưa, cũng không cố thuyết phục tôi về nhà, nhưng mỗi lời anh nói dường như đang lặng lẽ cạy chiếc ổ khóa trong lòng tôi. Đêm đó, tôi không thể ngủ được một lúc lâu vì tâm trí chìm trong nhiều suy nghĩ.”
Vài ngày sau, anh trai của Hà Nghi gọi lại, lần này với giọng điệu nghiêm túc hơn. Anh nói với em gái rằng, mẹ thực sự rất hối hận vì quyết định ngày hôm đó của mình, nhưng vì thể diện nên mẹ không biết cách phải “xuống nước” như thế nào.
Quan trọng hơn, người anh tiết lộ quả thật mẹ đã dùng số tiền đó để chi trả các khoản nợ trong lúc tổ chức đám cưới cho Hà Nghi, sau đó mới dùng để giúp gia đình vượt qua cơn khủng hoảng kinh tế. Tuy phương pháp này vô cùng sai lầm nhưng mục đích ban đầu của bà là bảo vệ gia đình.
Nghe những lời của anh trai, Hà Nghi nhận ra, sự oán giận và thất vọng tích tụ bao năm dường như đã tìm được lối thoát vào lúc này. Cô nhận ra dù hành động của mẹ khiến bản thân tổn thương sâu sắc, nhưng mẹ cũng yêu thương cô và gia đình theo cách riêng của mẹ.
“Lúc đó, tôi cuối cùng cũng hiểu rằng dù giữa các gia đình có xảy ra chuyện gì thì mối quan hệ huyết thống trong gia đình cũng không thể cắt đứt được. Tôi bắt đầu khao khát hàn gắn lại mối quan hệ đã xa cách bấy lâu nay, đồng thời tìm lại được nơi mà tôi gọi là ‘nhà’. Vì thế, sau gần 2 năm, tôi quyết định trở về quê hương để thẳng thắn đối mặt, trực tiếp trò chuyện hết tất cả với mẹ”, Hà Nghi cho biết.
Về đến nhà, Hà Nghi mới thấy mẹ gầy gò đi nhiều, mái tóc cũng điểm bạc nhiều hơn. Lúc đó mọi tức giận, bất mãn của cô đều hóa thành nước mắt. Hai mẹ con ôm nhau khóc, không nói nhiều lời nhưng sự ấm áp và thấu hiểu đã lặng lẽ bén rễ trong lòng mỗi người.
Mẹ của Hà Nghi cũng thẳng thắn xin lỗi cô và giải thích sự bất lực cũng như sự hối tiếc của bà khi đó. Ngày hôm đó, họ không chỉ hàn gắn lại mối quan hệ mà còn xác định lại ý nghĩa của mái ấm.
Thời gian chữa lành mọi vết thương, nhưng sự thấu hiểu và tha thứ chính là chìa khóa để xây dựng lại những nhịp cầu gia đình. Từ đó, cô học được cách đối mặt với mọi thử thách trong gia đình với tinh thần cởi mở hơn. Mặc dù trải nghiệm này thật đau đớn nhưng nó dạy cô hiểu: Ngôi nhà thực sự luôn là nơi trú ẩn tình cảm của chúng ta, bất kể thế giới bên ngoài có thay đổi như thế nào.
*Nguồn: Sohu
Nguồn: Sưu tầm