Những ngày qua, tin tức về việc hãng mỹ phẩm nổi tiếng The Body Shop ở Anh chuẩn bị đóng cửa gần một nửa trong số 198 cửa hàng trên khắp Vương quốc Anh, như một phần của quá trình tái cơ cấu mạnh mẽ, đã thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng khắp nơi.
Tờ tin tức The Independent đưa tin thương hiệu mỹ phẩm này sẽ đóng cửa một số cửa hàng ở Anh bắt đầu từ ngày 20/2.
The Body Shop ở Anh đóng cửa vĩnh viễn 7 cửa hàng vào ngày 20/2 như một phần của quá trình tái cơ cấu mạnh mẽ.
Vào ngày 20/2, có thông báo rằng một nửa số chi nhánh của The Body Shop tại Anh sẽ đóng cửa vĩnh viễn, với 7 chi nhánh – trong đó có 4 chi nhánh ở London – sẽ đóng cửa ngay trong ngày.
Công ty tư vấn kinh doanh FRP, đơn vị được chỉ định thực hiện thủ tục phá sản của The Body Shop tại Anh, cho biết hồi tuần trước: “The Body Shop ở Anh vẫn được định hướng bởi tham vọng trở thành một thương hiệu làm đẹp hiện đại, năng động, phù hợp với khách hàng và có khả năng cạnh tranh lâu dài. Tạo dựng một doanh nghiệp tại Vương quốc Anh linh hoạt hơn và ổn định hơn về mặt tài chính là một bước quan trọng để đạt được mục tiêu này.
The Body Shop ở Anh đã phải đối mặt với thách thức về mặt tài chính trong một thời gian dài dưới thời các chủ sở hữu trước đây, đồng thời chịu áp lực chung trong lĩnh vực bán lẻ”.
Lịch sử vẻ vang của một hãng mỹ phẩm “làm đẹp cả diện mạo lẫn tâm hồn” người phụ nữ
Khi cửa hàng The Body Shop lần đầu tiên mở cửa vào năm 1976, đó là một cửa hàng nhỏ sơn màu xanh lá cây trên một con phố của Brighton, hạt East Sussex, Vương quốc Anh.
Cách tiếp cận làm đẹp của họ hoàn toàn khác biệt với những “ông lớn” trong ngành mỹ phẩm. Nhưng bí mật chẳng phải là điều gì quá to tát mà thực ra rất đơn giản. Đó chính là sự thân thiện với môi trường – các thành phần có nguồn gốc tự nhiên và hợp pháp được lấy từ khắp nơi trên thế giới, được đựng trong bao bì đơn giản mà khách hàng có thể dễ dàng đổ đầy lại.
Các sản phẩm và cách thức làm đẹp của The Body Shop không “thiên vị” bất kỳ ai mà dành cho mọi cơ thể, khiến chị em phụ nữ cảm thấy dễ chịu với làn da của mình, riêng có và duy nhất với mỗi người.
Tiên phong thay đổi xã hội
Ít ai biết rằng, người sáng lập ra thương hiệu The Body Shop chính là nhà hoạt động vì quyền động vật và nhân quyền Anita Roddick.
Bà mở cửa hàng với mong muốn giản đơn là kiếm thêm chút đỉnh để trang trải kinh tế gia đình. Nhưng người ta thường nói, làm việc với cái tâm ắt sẽ được đền đáp. Và câu chuyện của nhà sáng lập The Body Shop Anita Roddick là minh chứng rõ ràng.
Câu chuyện của The Body Shop bắt đầu ở Brighton, Anh, nơi Anita (khi ấy khoảng 30 tuổi) nuôi hai cô con gái nhỏ vào giữa những năm 70, trong khi chồng bà , nhà thơ người Scotland Gordon Roddick, thực hiện ước mơ cả đời là du hành trên lưng ngựa từ Buenos Aires (Argentina) đến New York (Mỹ).
Cửa hàng The Body Shop đầu tiên được mở tại Brighton, hạt East Sussex, Vương quốc Anh.
Với nhiều người phụ nữ khác, họ sẽ không thể kìm chế mà nổi cơn thịnh nộ nhưng Anita ủng hộ đam mê của chồng. Bà chấp nhận ở lại một mình cáng đáng gia đình. Bà vay ngân hàng 8.000 USD và mở một cửa hàng mỹ phẩm.
Tuy nhiên, cửa hàng của Anita không giống bất kỳ cửa hàng mỹ phẩm nào khác trong vùng. Nó chỉ bán các sản phẩm làm đẹp tự nhiên, được đóng gói trong các hộp đựng có thể tái sử dụng. Sau này bà mới tiết lộ: “Vì chúng tôi không có đủ chai để đóng, tất cả các nhãn được viết bằng tay. Và tất nhiên, không có gì được thử nghiệm trên động vật”.
Khi mở cửa hàng mỹ phẩm, Anita muốn tạo ra một dòng mỹ phẩm có nguồn gốc từ tự nhiên, bà thu hút sự quan tâm của khách hàng từ góc độ bảo vệ môi trường.
Kết hợp giữa việc tiếp thị, cung cấp thông tin cho người tiêu dùng và các hoạt động xã hội, đó là quy tắc kinh doanh của doanh nghiệp mỹ phẩm toàn cầu trị giá 16 tỷ USD này. Từ đó biến Anita đã trở thành một trong những phụ nữ giàu nhất nước Anh.
Với tình yêu của Anita dành cho hành tinh xanh này, The Body Shop luôn không chỉ là một thương hiệu làm đẹp. Nó có mục đích, lợi nhuận và các nguyên tắc hoạt động hài hòa.
Anita Roddick, người sáng lập The Body Shop, qua đời ngày 10/2/2007 ở tuổi 64 vì xuất huyết não.
Sản phẩm của The Body Shop TUYỆT ĐỐI KHÔNG thử nghiệm trên động vật và không lợi dụng bất kỳ ai trong quá trình tạo ra chúng. Họ làm việc một cách công bằng với nông dân và nhà cung cấp.
Chính vì lẽ đó, The Body Shop là một trong những thương hiệu mỹ phẩm tiên phong trong lĩnh vực mỹ phẩm được mô tả là “có đạo đức”, tức không thử nghiệm trên động vật.
Vào thời điểm ra đời, nhiều thành phần mà The Body Shop sử dụng như bơ, cacao, lô hội, dầu jojoba được xem là “kỳ quặc”. Nhưng những lời tuyên bố về trách nhiệm với động vật, môi trường và xã hội đã tạo ra một khái niệm hoàn toàn mới trong lĩnh vực mỹ phẩm. Thậm chí, các thương hiệu khác phải học theo.
Khi Vương quốc Anh cấm thử nghiệm trên động vật vào năm 1997, nhiều người dân nước này đã ca ngợi vai trò của Anita Roddick trong việc đảm bảo thực hiện lệnh cấm. Năm 2009, Liên minh Châu Âu EU cũng làm điều tương tự.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2001 với ABC News, Anita cho biết triết lý kinh doanh của bà dựa trên trách nhiệm xã hội và sự thay đổi môi trường. “Bạn phải có niềm tin thực sự rằng kinh doanh… hướng tới lợi ích chung hơn là lòng tham của cá nhân”.
“Tôi thực sự tin vào điều đó”, bà nói.
Định nghĩa vẻ đẹp
Khi The Body Shop mới thành lập, ngành công nghiệp làm đẹp đã có những ý tưởng khá cụ thể về việc các cô gái và phụ nữ nên trông như thế nào.
Nhưng Anita cũng có ý tưởng của riêng mình.
Bà tin rằng vẻ đẹp là nguồn vui, sự thoải mái và lòng tự trọng của con người. Đó là điều bạn thích ở bản thân và điều khiến bạn cảm thấy hài lòng.
Bà tin rằng các sản phẩm làm đẹp của cô thiên về nghi thức yêu bản thân hàng ngày thay vì lời hứa hão huyền về việc giảm béo và chống lão hóa mà ngành công nghiệp này luôn đặt ra.
Bà không muốn tạo ra những sản phẩm khiến phụ nữ có vẻ ngoài theo một cách nhất định nào đó mà muốn giúp họ trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.
“Tôi nghĩ mọi hoạt động kinh doanh sẽ được cải thiện đáng kể nếu được định hướng bởi các nguyên tắc ‘nữ tính'”, Anita Roddick nói.
Trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái
Anita là một nhà hoạt động xã hội thực thụ. Đó là điều đã mang đến cho The Body Shop mục đích độc đáo và động lực cho sự thay đổi xã hội.
Là một nhà hoạt động vì nữ quyền và nhân quyền, bà đã xây dựng thương hiệu bằng việc trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trong mọi sản phẩm và mọi quyết định kinh doanh, phấn đấu vì sự bình đẳng và tạo cơ hội cho phụ nữ thông qua chương trình “Thương mại Công bằng Cộng đồng” (Community Fair Trade).
Các nguyên tắc mà một số người cho là “nữ tính” – tính toàn diện, hợp tác và lòng nhân ái – là nền tảng cho thương hiệu The Body Shop.
Giữa tháng 2 mới đây, dư luận bất ngờ với thông tin chuỗi cửa hàng The Body Shop tại Anh được đưa vào diện phá sản.
Đến ngày 20/2, Công ty tư vấn kinh doanh FRP, đơn vị được chỉ định thực hiện thủ tục phá sản của The Body Shop tại Anh, thông báo đóng cửa ngay lập tức 7 cửa hàng, trong đó có 4 cửa hàng ở London.
Việc chuỗi cửa hàng The Body Shop tại Anh đóng cửa có nguy cơ ảnh hưởng tới việc làm của nhiều người trong khoảng 1.500 nhân viên làm việc trên khắp nước Anh. FRP không đưa ra con số cắt giảm cụ thể nhưng cho biết khoảng 270 vị trí bị cắt giảm khỏi trụ sở chính ở London, tương đương khoảng 40% lực lượng lao động ở đó.
Trước thông tin này, nhiều người tiêu dùng bày tỏ thắc mắc, các cửa hàng The Body Shop khác, ngoài nước Anh, sẽ hoạt động ra sao.
Mới đây, Tập đoàn InNature Bhd, đối tác nhượng quyền thương hiệu The Body Shop tại Malaysia, Việt Nam và Campuchia, cho biết hoạt động kinh doanh của tập đoàn này hoàn toàn KHÔNG BỊ ẢNH HƯỞNG bởi tình hình ở Anh.
Tại Việt Nam, Malaysia và Campuchia, Tập đoàn InNature sở hữu 122 cửa hàng bán lẻ và hệ thống thương mại điện tử.
Các nhà lãnh đạo tập đoàn InNature đã nhận thông tin chính thức từ The Body Shop International, rằng quy trình tái cấu trúc chỉ liên quan duy nhất đến thị trường ở Anh, và không hề ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của hệ thống các đối tác nhượng quyền toàn cầu.
Nguồn: Tổng hợp
Nguồn: Sưu tầm