Trong năm 2023, có thể nói AI – trí tuệ nhân tạo là một trong từ khóa hot nhất. Ai cũng biết hoặc bắt đầu biết về AI và hiểu được phần nào sức mạnh của nó, một số khác thậm chí đã cảm nhận được nguy cơ khi AI càng ngày càng trở nên thông minh hơn, toàn diện hơn.
Ai sẽ thắng AI, ai sẽ sợ hãi trước AI và ai sẽ hợp tác cùng phát triển với AI, không có đáp án chính xác nào cả. Chỉ biết rằng AI đã, đang và sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều con người, rất nhiều ngành nghề. Nguy cơ bị đào thải là có thật, nhưng những cơ hội mới cũng sẽ xuất hiện.
Nhắc đến AI, không ít người cho rằng nó chỉ liên quan đến các cá nhân, tập thể làm công nghệ. Nhưng trên thực tế, AI có thể trở thành “nét chấm phá” trong tất cả các lĩnh vực, trong đó có tuyển dụng. Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc tại Đông Nam Á và Thung lũng Silicon (Mỹ); từng đảm nhiệm vị trí COO của công ty Percolata, một startup AI gọi vốn 10 triệu đô la (series A) ở Palo Alto; đồng thời là tác giả cuốn sách “Dám Nghi – Dám Nghĩ – Dám Nghỉ. Góc nhìn cuộc sống và việc làm từ Mekong đến Thung Lũng Silicon” (NXB Trẻ); tác giả TEDx Talk: “Rethink: Education, Women’s career and Inner Transformation”, chị Ai Huynh (Huỳnh Như Ái) đã có nhiều chia sẻ về chủ đề này.
Tác giả Ai Huynh
Mùng 3 Tết, hãy cùng theo dõi cuộc trò chuyện với chị Ai Huynh về ảnh hưởng của AI đến tuyển dụng nhân sự cũng như vận hành doanh nghiệp nhé!
Chào chị, AI – từ một khái niệm xa lạ nay đã trở thành một sự tồn tại mà người ta không thể bỏ qua, kể cả là tại Việt Nam, đặc biệt là trong năm qua, khi ChatGPT trở nên phổ biến toàn thế giới, người ta càng nhận biết rõ hơn về sức mạnh của AI. Theo chị, làn sóng AI bùng nổ này liệu có phải xu thế tất yếu không? Có một nguồn cơn cụ thể khiến làn sóng này trỗi dậy và lan rộng hay không?
AI đã có mặt hơn 50 năm rồi. Trong một thời gian dài, AI được dùng trong doanh nghiệp. Ví dụ, AI cập nhật giá vé trên website hãng máy bay, AI cá nhân hóa content newsfeed của bạn…
Trong năm qua (2023), ChatGPT là một trong những nguồn cơn quan trọng khiến AI trở nên nổi hơn nhiều hơn nhiều năm trước cộng lại. Vì sao? Bởi vì ChatGPT chuyển AI từ chỗ công cụ doanh nghiệp dùng, nay trở thành công cụ cho cá nhân dùng.
Ai cũng có thể lên ChatGPT đặt câu hỏi, từ tóm tắt báo cáo khoa học hàn lâm, tới nhờ ChatGPT gợi ý cách viết email nghỉ việc. ChatGPT cho đại chúng tương tác trực tiếp với AI, để ai cũng có một trải nghiệm riêng, cảm nghĩ riêng về nó. Từ đó, ai cũng có “chuyện” để nói về AI. ChatGPT giúp AI trở thành một chủ đề bình dân hơn, dễ có chuyện để nói hơn. Vậy là lan rộng (cười).
Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Thung lũng Silicon, chị đã chứng kiến những bước tiến nào của AI mà chị cho là đáng chú ý nhất?
Bước tiến đáng chú ý nhất là các công ty công nghệ ngày càng quan tâm nghiêm túc hơn đến các khía cạnh đạo đức và an toàn trước khi đưa một sản phẩm ra công chúng.
Ví dụ, YouTube có một tầng AI duyệt, rồi một tầng con người duyệt dùng những video có nội dung có thể gây tranh cãi, gây hại cho sức khỏe thể chất và tinh thần người xem. Như để đảm bảo các bạn đang tuổi ăn tuổi lớn có môi trường lành mạnh về phát triển sức khỏe và ngoại hình, YouTube thậm chí xóa hoặc giới hạn người xem phải trên 18 tuổi mới được tiếp cận video về chủ đề liên quan tới siết cân quá độ.
Theo chị, xu hướng phát triển của AI hiện nay đang hướng tới những mục tiêu nào trong tương lai gần?
Xu hướng của AI là làm các thao tác cần tư duy (đọc, nghe, nhìn, phân tích, di chuyển từ điểm A đến điểm B,…) trở nên tự động, nhanh hơn, rẻ hơn cho người dùng cá nhân và doanh nghiệp.
Những cơ hội lớn nhất mà AI mang lại cho các doanh nghiệp hiện nay theo chị là gì? Và thách thức khi triển khai nó vào hoạt động của doanh nghiệp là gì?
Cơ hội là doanh nghiệp có thêm lựa chọn sử dụng AI để thực hiện một số nghiệp vụ đạt hiệu quả, rẻ hơn, nhanh hơn hồi trước con người phải tự làm.
Thách thức là sau khi AI giúp ta làm được một nghiệp vụ cụ thể rồi thì doanh nghiệp cần đối mặt với bài toán quản lý phát triển doanh nghiệp như thế nào.
Ví dụ, ngày trước công ty bạn phải tốn nhiều công sức để xây dựng bộ phận Chăm sóc khách hàng theo nhiều tiêu chí: từ lúc khách hàng nhắn tin thì sau bao lâu phải có nhân viên trả lời, nhân viên tư vấn nội dung gì, thái độ như thế nào, nhắn tin có sai chính tả hay không. Ngày nay, doanh nghiệp có thể dùng AI tool – khách hàng có vấn đề gì sẽ chat trực tiếp với AI chatbot. Chatbot càng hoàn thiện sẽ chat với khách hàng càng nhanh, đầy đủ. Nhưng khách hàng có tiếp tục yêu thích sử dụng sản phẩm/ dịch vụ của công ty bạn hay không lại là một thách thức khác mà doanh nghiệp phải tự xử lý tiếp.
Vậy thì AI đã và sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quy trình tuyển dụng, từ cả hướng nhà tuyển dụng lẫn ứng viên?
Một trong những nguyên tắc cơ bản của AI là match (khớp) những từ khóa liên quan với nhau.
Ví dụ, một nhà tuyển dụng (NTD) đang tìm ứng viên phải có kinh nghiệm Excel. Thay vì hồi trước nhà tuyển dụng phải đọc bằng mắt từng hồ sơ rất mất thời gian và có khả năng đọc sót, thì bây giờ NTD có thể nhờ AI quét xem CV/ resume nào có một trong các cụm từ sau: “spreadsheet”, “soạn báo cáo”, “phân tích số liệu”, “Excel”…
Như vậy, lời khuyên dành cho ứng viên là bạn không nên gửi đại trà một CV/ resume cho 100 công ty. Bạn nên chỉnh sửa chút đỉnh cho hồ sơ của bạn vừa giữ đúng sự thật (không khai dối) và khớp nhất với tin tuyển dụng thì bạn mới vượt qua vòng screening của AI. Vượt qua được vòng quét sơ bộ của AI thì hồ sơ của bạn mới tới vòng… con người duyệt.
Chị nghĩ gì về tương lai của thị trường lao động khi AI ngày càng trở nên thông minh hơn? Ngành nghề nào có thể được hưởng lợi từ sự phát triển của AI và ngành nghề nào có nguy cơ bị đào thải? Liệu có hay không các cơ hội nghề nghiệp mới được tạo ra nhờ sự phát triển của AI mà con người có thể khai thác?
AI sẽ thay thế các nghiệp vụ mang tính chất lặp đi lặp lại, mất thời gian của con người.
Ví dụ, ở kho của sàn thương mại điện tử, trước đây cần nhân viên đi bộ tới lui rất nhiều trong tổng kho siêu rộng để tới đúng kệ, lấy đúng món hàng chuẩn bị cho đơn hàng online cần được ship đi, thì bây giờ AI robot được lập trình để định vị đi tới đúng kệ, biết né vật cản, lấy đúng hàng qua quẹt mã code, giúp ship hàng nhanh hơn, chi phí rẻ hơn cho KH.
Con người sẽ bị đào thải ở một số việc, nhưng họ có cơ hội mới là được đào tạo, chuyển lên làm những công việc cần tư duy cao hơn, như quản lý máy móc, kiểm tra chất lượng, sáng tạo dịch vụ, trải nghiệm khách hàng.
AI cũng tạo ra thêm nhiều nghề mới. Giống như từ khi smartphone và social media thông minh hơn, thì từ 2019 đến nay chúng ta có thêm nghề data analyst, livestreamer, giao hàng công nghệ, kinh doanh online, các hình thức mới và hiện đại hơn của digital marketing….
Theo chị, doanh nghiệp cần làm gì để có thể tận dụng hiệu quả sức mạnh của AI mà không làm mất đi giá trị con người?
Bản chất AI chỉ là một công cụ thôi. Mình phải hiểu và biết sử dụng công cụ thì mới phát huy hiệu quả.
Doanh nghiệp cần thử nghiệm, đánh giá hiệu quả của AI cho việc mà doanh nghiệp nhờ nó làm, điều chỉnh thường xuyên cho tới khi đạt được tối ưu lợi ích và chi phí mà mình muốn. Những cái đó toàn là những việc con người phải tự làm, AI không thể làm thay được (cười).
Là một nhà lãnh đạo, chị nghĩ sao về việc đào tạo và phát triển kỹ năng của nhân viên để họ có thể làm việc cùng AI?
Người lao động cần hiểu cơ bản cách mà AI-liên-quan-tới-việc-mình-làm vận hành, học cách đặt câu hỏi và tư duy để can thiệp những lúc nó không thông minh như mình muốn, và/ hoặc phát triển nó như mình cần.
Ví dụ, email bạn dùng mặc định có AI quét email spam. Khi một email quan trọng không tới inbox của mình, bạn có kỹ năng cơ bản là: bạn bèn hỏi người gửi xem người ta có gửi đúng địa chỉ email không. Bạn search hộp thư rác (Spam), hộp thư quảng cáo tìm thử. Bạn đánh dấu email người gửi là “Not Spam” để bộ lọc AI hiểu và “rút kinh nghiệm”. Bạn có thể suy rộng ra các ứng dụng AI khác đang được sử dụng trong công việc của bạn…
Cảm ơn chị về những chia sẻ này!
Nguồn: Sưu tầm