Cơn đói được hiểu là cảm giác thèm ăn, cơ thể mất năng lượng, khó tập trung, dạ dày có thể phát ra âm thanh hoặc thấy cồn cào khó chịu. Đây là dấu hiệu cho thấy bạn cần nạp thức ăn. Nhưng theo Tiến sĩ Wu Zhenjin – chuyên gia về giảm cân và thần kinh tại Phòng khám y tế Churi Medical-Xiaozhou (Đài Loan, Trung Quốc): “Trên thực tế, đôi khi chúng ta cảm thấy đói nhưng không đồng nghĩa với cơ thể cần thức ăn hay dạ dày rỗng, mà chúng ta bị đánh lừa bởi các tín hiệu do não gửi đến”.
Bà cũng cảnh báo rằng, chính những cơn “đói giả” này có thể khiến chúng ta khó kiểm soát ăn uống và bị tăng cân nhanh. Nhất là trong những ngày nghỉ lễ, Tết Nguyên đán. Sau đây là 5 kiểu “đói giả” phổ biến nhất và cách khắc phục được Tiến sĩ Wu gợi ý:
1. Cảm thấy đói ngay sau khi ăn
Nếu bạn cảm thấy đói bụng ngay sau khi ăn xong thì đó là cơn “đói giả” do ăn uống sai cách hoặc do thực phẩm, một số vấn đề sức khỏe khác. Tiến sĩ Wu giải thích: “Ăn sai cách, ví dụ như ăn quá nhanh sẽ khiến cơ thể rơi vào tình trạng insulin cao kéo dài. Khi lượng đường trong máu giảm xuống, lượng mỡ dự trữ sẽ không bị phá vỡ mà tín hiệu đói sẽ được giải phóng, khiến bạn cho rằng mình cần nạp thức ăn.
Vừa ăn xong đã cảm thấy đói có thể là do ăn uống sai cách hoặc bệnh tật tiềm ẩn (Ảnh minh họa)
Lúc này, điều quan trọng nhất là cố gắng không nạp thêm nhiều calo. Nếu phải chọn thực phẩm để ăn, hãy ăn protein chất lượng cao với số lượng ít hoặc ăn rau củ. Ở bữa ăn sau, hãy chú ý nạp carbohydrate và ăn chậm, nhai kỹ hơn”.
Ngoài ra, cảm giác đói ngay sau khi vừa ăn xong cũng có thể là do bệnh cường giáp, tiểu đường, nhiễm giun sán…
2. Đói mỗi khi thức khuya
Nếu bạn chưa kịp ăn tối, ăn rất ít sau đó thức khuya thì cảm giác đói bụng một chút cũng là điều dễ hiểu. Nhưng nếu bạn đã ăn tối no bụng nhưng mỗi khi thức khuya liền cảm thấy đói cồn cào thì đừng vội vã nuông chiều cơn đói này. Đó có thể là cơn đói giả và ăn khuya không tốt cho cân nặng, sức khỏe của bạn. Hiện tượng này rất phổ biến mỗi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Theo Tiến sĩ Wu: “Mệt mỏi do thức khuya khiến đầu óc căng thẳng trở lại. Đồng thời, thức khuya làm tăng tiết một số loại hormone và ảnh hưởng tới thần kinh. Từ đó, não bộ cảm thấy mình bị đe dọa và cần phải phục hồi, khiến bạn có cảm giác mình cần ăn uống dù thức ăn vẫn còn trong dạ dày.
Nếu có thể, hãy đi ngủ càng sớm càng tốt khi có tín hiệu này. Hoặc bạn có thể dùng một số thực phẩm như: nước lọc, sữa chua, dưa chuột, nước ép trái cây ít đường… để bù đắp sự mệt mỏi thay vì dùng đồ uống có đường hay caffeine hoặc ăn đồ dầu mỡ. Sau đó, quan trọng là dừng việc thức khuya lại, cố gắng ngủ 7 – 8 giờ mỗi ngày và trên 80% là thời gian ban đêm, đi ngủ và thức dậy vào giờ cố định để điều chỉnh lại”.
Dịp Tết, thức khuya nhiều và dễ đói khiến nhiều người tăng cân vì ăn uống mất kiểm soát (Ảnh minh họa)
3. Cảm thấy đói sau khi tập thể dục
“Đây cũng là kiểu đói giả rất phổ biến, thậm chí còn được nhiều người cho rằng điều đương nhiên – phản ứng tự nhiên của cơ thể. Nhưng thực tế, sau khi tập thể dục, não rất dễ nhầm lẫn sự mệt mỏi với cơn đói, nhầm lẫn cảm giác đau nhức cơ thể, đốt cháy chất béo với cảm giác thèm ăn.
Đương nhiên, bạn nên ăn sau khi tập luyện để đảm bảo sức khỏe và giảm cân khoa học. Nhưng lưu ý đừng ăn uống vô tội vạ, theo sở thích. Thứ cơ thể cần là sự nghỉ ngơi, thích nghi dần theo cường độ tập luyện. Bạn có thể bổ sung protein và tinh bột nguyên mẫu trong vòng 30 phút sau khi tập. Chẳng hạn như chọn sữa đậu nành không đường + khoai lang/chuối + sữa ít béo. Nhớ là cũng cần uống đủ nước” – Tiến sĩ Wu nói.
4. Thấy đói mỗi khi cơ thể thiếu nước
“Việc nhầm lẫn sự khát nước với cơn đói thức ăn là vô cùng phổ biến. Bởi vì cơ chế bảo vệ của não, thiếu nước sẽ khiến cơ thể cảm thấy mệt mỏi. Lúc này, não sẽ yêu cầu được bổ sung nước thông qua việc ăn uống và làm bạn cảm thấy rất đói. Cơn đói giả do khát nước, thiếu nước thường đi kèm cảm giác đau đầu nhẹ, dễ cáu gắt. Uống nước sẽ tạo cảm giác đầy bụng, do đó nếu uống không đủ nước sẽ thấy đói thường xuyên” – Tiến sĩ Wu chia sẻ.
Bà cũng giải thích thêm rằng, khi cơ thể thiếu nước thì việc trao đổi chất bị chậm. Đồng thời, các chức năng thải độc và loại bỏ chất thải bị hạn chế dẫn tới những mệt mỏi tương tự với cảm giác đói và kết quả là khiến bạn muốn ăn, dễ tăng cân hơn. Trong khi thứ bạn cần thực chất chỉ là nước, tốt nhất là nước lọc. Để tình trạng này không xảy ra, bà khuyên mỗi người nên rèn luyện thói quen uống đủ nước mỗi ngày, uống nước rải rác ở nhiều thời điểm trong ngày chứ không chờ khát mới uống.
Còn nếu bạn thường xuyên cảm thấy đói một cách khó lý giải, ngay cả khi ăn uống đầy đủ, vào nhiều thời điểm trong ngày thì tốt nhất nên đi thăm khám. Bởi vì có rất nhiều bệnh tật có thể gây ra những cơn “đói giả”.
5. Đói do căng thẳng, tiêu cực
Không phải ai cũng biết rằng cảm xúc ảnh hưởng lớn thế nào tới thói quen ăn uống, nhất là những cảm xúc tiêu cực.
Tiến sĩ Wu cho biết: “Lo lắng, căng thẳng kéo dài tiết ra hormone gây căng thẳng cortisol, khiến cơ thể muốn dự trữ năng lượng thông qua ăn uống. Từ đó, bạn có cảm giác bồn chồn, thậm chí khó chịu hoặc phát âm thanh lạ ở dạ dày, não bộ gửi đi tín hiệu cần thêm năng lượng để giải tỏa căng thẳng bằng cách ăn uống nhiều hơn dù bạn không thật sự đói.
Hay những người thường xuyên tiêu cực, bị trầm cảm cũng dễ thèm ăn dù không đói. Bởi lúc này, cơ thể đang trong trạng thái thiếu serotonin – loại hormone chính khiến con người cảm thấy hạnh phúc. Việc ăn các món ngon có thể kích thích loại hormone này tăng lên và não bộ gửi đi tín hiệu đó cho bạn”.
Những cảm xúc tiêu cực, bệnh trầm cảm cũng có thể khiến bạn luôn cảm thấy đói dù cơ thể không cần thức ăn (Ảnh minh họa)
Cách giải quyết cốt lõi là bạn phải điều chỉnh trạng thái cảm xúc, điều trị bệnh thay vì ỷ lại vào ăn uống – chỉ mang tác dụng chớp nhoáng. Nhưng thực phẩm cũng có tác dụng nhất định để chống lại sự lo lắng, trầm cảm nếu dùng đúng. Tiến sĩ Wu khuyên nên bổ sung phức hợp vitamin nhóm B hoặc ăn thực phẩm chống oxy hóa để cải thiện khả năng chịu đựng căng thẳng của bạn. Chẳng hạn như rau họ cải, hành tây và gia vị…
Nguồn và ảnh: HK01, Top Beauty, Eat This
Nguồn: Sưu tầm