Gặp Nhau Cuối Năm – Táo Quân 2024 đã khép lại mà không để lại được nhiều dư âm với khán giả. Chương trình năm nay được khen ít, bị chê nhiều. Nhiều khán giả cho rằng motif của kịch bản mới chưa hợp lý, nội dung rời rạc và đánh mất đi những điểm thú vị vốn có của Táo Quân. Bên cạnh đó, dàn diễn viên mới thay thế cũng không có nhiều đất diễn, xuất hiện chóng vánh và chưa tạo được nhiều dấu ấn.
Một nhân vật hiếm hoi gây chú ý tại chương trình năm nay là vai diễn đồng tính do Tuấn Anh thể hiện. Nhân vật được lấy cảm hứng từ câu chuyện cô đồng bổ cau “đúng nhận, sai cãi” Trương Thị Hương tại tỉnh Hải Dương, từng viral khắp cõi mạng xã hội trong suốt thời gian dài. Trong chương trình, Ngọc Hoàng và Nam Tào bắt gặp nhân vật nam tính nhưng có ngoại hình và điệu bộ ỏn ẻn, chủ động tán tỉnh, thả thính đàn ông một cách bất chấp. Bên cạnh những lời khen về sự duyên dáng của Tuấn Anh, vai diễn này cũng trở thành tâm điểm tranh cãi xung quanh việc xây dựng hình tượng người đồng tính trên màn ảnh.
Nhân vật đồng tính của Tuấn Anh trong Táo Quân 2024 thu hút nhiều tranh luận.
Từ cô Đẩu của Công Lý cho đến cô đồng của Tuấn Anh
Vai diễn của Tuấn Anh trong Táo Quân 2024 xuất hiện đơn thuần là một vai đồng tính dùng sự ẻo lả, nhí nhố để gây cười. Nhân vật được mô tả là “cùng dòng với con Đẩu”, ăn mặc kiểu cách, xốn xang khi gặp trai đẹp. Nhiều khán giả cho rằng việc sử dụng những chất liệu này để gây cười không có gì sai. Tuy nhiên, không ít người nhận xét việc này chỉ càng cho thấy ekip Táo Quân quá bí bách chiêu thức gây cười nên phải “bổn cũ soạn lại” một cách đầy rập khuôn và lỗi thời.
Từ lâu, việc các nhân vật LGBT xuất hiện trong các bộ phim, tiểu phẩm hài để gây cười đã trở thành một điều quen thuộc với khán giả Việt. Họ thường được mô tả với dáng vẻ ẻo lả, ăn mặc khác thường, thích tô son điểm phấn với tính cách đanh đá, chua ngoa. Cách xây dựng nhân vật như vậy phần nào vô hình chung gây méo mó suy nghĩ của nhiều khán giả về người đồng tính, đóng khung cộng đồng LGBT với hình ảnh lố lăng.
Tạo hình Bắc Đầu của NSND Công Lý ở Táo Quân 2003.
Nhân vật đồng tính nổi tiếng nhất của thương hiệu Táo Quân là Bắc Đẩu do NSND Công Lý thể hiện suốt nhiều năm. Việc gán ghép vai diễn này với cộng đồng LGBT cũng bắt nguồn một cách rất tình cờ. Trong mùa đầu tiên phát sóng năm 2003, Bắc Đẩu xuất hiện với diện mạo nam tính khi diện vest đen, đeo kính râm, đầu húi cua. Tuy nhiên, NSND Công Lý muốn thể hiện nhân vật có tính cách đối lập với vai Nam Tào “ăn to nói lớn” của NSND Xuân Bắc nên đã chọn cách nói năng ỏn ẻn để tạo điểm nhấn.
Cũng từ đó, vai Bắc Đẩu trong Táo Quân được các đạo diễn phát triển theo hướng này vì đạt hiệu quả gây cười cao. Nhân vật luôn là mục tiêu của các câu cà khịa, châm chọc từ phía các Táo hay chính Nam Tào, Ngọc Hoàng. Thực chất, vai Bắc Đẩu những mùa đầu tiên khiến nhiều khán giả nghĩ tới hình ảnh các hoạn quan trong triều đình phong kiến xưa cũ, luôn ở bên cạnh và là cánh tay đắc lực của tầng lớp vua chúa. Tuy nhiên, sau nhiều mùa, khi ekip ngày càng xây dựng kịch bản theo hướng hiện đại hơn, Bắc Đẩu ngày càng mang dáng vẻ một nhân vật LGBT góp mặt trong các bộ phim, tiểu phẩm hài để gây cười. Đặc biệt, từ năm 2016, vai diễn này mới đầu “bung lụa”, công nhận giới tính một cách rõ ràng hơn.
Nhân vật Bắc Đẩu được thừa nhận giới tính từ năm 2016.
Cần những góc nhìn mới mẻ và nhân văn hơn
Không thể phủ nhận, Bắc Đẩu là một trong những điểm sáng trong lịch sử 2 thập kỷ tồn tại của Táo Quân, để lại nhiều dấu ấn khó phai mờ trong lòng khán giả. Tuy nhiên, nhân vật đôi khi cũng trở thành chủ đề thu hút nhiều ý kiến tranh luận từ netizen. Đỉnh điểm của các chỉ trích là năm 2018, khi Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) cùng Trung tâm Tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người LGBT (ICS) gửi thư văn bản phản đối Táo Quân miệt thị cộng đồng LGBT qua các chi tiết xoay quanh nhân vật Bắc Đẩu.
Các tổ chức này viết trong thư gửi đến Đài truyền hình Việt Nam: “Trong nhiều năm liền, cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) luôn là đối tượng bị chương trình Gặp nhau cuối năm – Táo quân mang ra làm trò cười, đưa thông tin sai lệch, thậm chí xúc phạm với ngôn từ tệ hại. Đặc biệt trong chương trình dịp tết Mậu Tuất, nhân vật Bắc Đẩu thậm chí còn bị nói là ‘con chi sống trên trời không phải nữ cũng chẳng phải nam” hay ‘bọn phụ nữ một nửa’. Chúng tôi phản đối việc sử dụng những từ ngữ miệt thị công khai làm tổn thương những thành viên của cộng đồng LGBT chỉ vì đặc điểm cơ thể của họ, cũng như làm khắc sâu thêm những định kiến và phân biệt đối xử trong xã hội với nhóm cộng đồng này”.
Trong các sản phẩm giải trí, đặc biệt hài kịch, nghệ sĩ đôi khi thêm thắt những chất liệu về giới tính chỉ mang tính vui cười đơn thuần, không bỉ bai hay kỳ thị. Nghệ thuật sân khấu cho phép diễn viên nam hoá thân vào nhân vật nữ và ngược lại. Ở những tác phẩm hiện đại, ekip ngày càng có ý thức và chú trọng để ý tới lằn ranh mong manh giữa sự mua vui và cười cợt. Những nhân vật mang tính rập khuôn, định kiến luôn đối diện với sự chỉ trích khi được mang lên màn ảnh đại diện cho các nhóm thiểu số dù xuất phát từ một ý tưởng vô tư.
Việc xây dựng những nhân vật LGBT có chiều sâu, giàu tính cảm thông cũng cho thấy cái tầm của những người làm chương trình. Có thể, vai Bắc Đẩu ngày trước cũng mang nhiều đặc điểm chung của những vật đồng tính ra đời để mua vui đơn thuần. Thế nhưng, nhận thức về vấn đề giới tính mỗi thời đều có thay đổi, cập nhật. Thiết nghĩ, những người làm Táo Quân cũng nên có những góc nhìn mới mẻ hơn, tránh tính trạng nhào nặn và cho ra đời những dạng vai đã quá lỗi thời, thiếu tinh tế như vậy.
Tuấn Anh diễn duyên dáng trong vai đồng tính nhưng nhân vật bị chê xây dựng theo kiểu lỗi thời, cũ kỹ.
Giữa bối cảnh chất lượng phim hài, hài kịch đang ngày càng bị chê nhảm nhí, Táo Quân nhiều năm vẫn được đánh giá là một thương hiệu có chiều sâu. Kịch bản các năm đều mạnh mẽ đề cập đến những vấn đề nóng hổi, bất cập của xã hội thay vì chỉ ra đời với mục đích giải trí, chọc cười đơn thuần. Nhân vật đồng tính của diễn viên Tuấn Anh có thể đem lại hiệu quả nhất thời trên màn ảnh. Nhưng nhìn rộng ra, việc giải trí trên giới tính của người khác mà không mang theo thái độ đồng cảm là một sự kỳ thị.
Nguồn: Sưu tầm